ĐBQH TRẦN THỊ KIM NHUNG: CẦN CÂN NHẮC VIỆC MỞ RỘNG PHẠM VI ÁP DỤNG CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA VỚI ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI ĐÃ LY HÔN

04/08/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng các hành vi bạo lực gia đình với đối tượng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng.

Thay đổi nhận thức, hành vi: giải pháp căn cơ, gốc rễ phòng chống bạo lực gia đình

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận

Nhằm hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra trong việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tiến hành chuẩn bị dự án luật rất khẩn trương, công phu, tổ chức nhiều hội thảo cũng như lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương để chắt lọc và đề xuất được nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và từng bước nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho rằng, tại khoản 1 Điều 5 quy định về mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình là nhằm ngăn ngừa bạo lực gia đình, góp phần xây dựng mối quan hệ văn hóa ứng xử tốt đẹp, bình đẳng, nhân văn giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo đại biểu, quy định này là không cần thiết, vừa thừa vừa thiếu, không thống nhất với nhiều luật về phòng, chống các vấn nạn khác. Thừa là vì mục tiêu của phòng, chống bạo lực gia đình cũng chính là sự cần thiết và lý do quan trọng nhất để ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thiếu là nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 mới chỉ thể hiện được mục tiêu phòng và chưa rõ mục tiêu chống. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra mục tiêu là phải thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi và hiệu quả. Văn kiện đã nhấn mạnh tính khả thi, hiệu quả của cả phòng và chống bạo lực gia đình.

Thêm vào đó, Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã đưa ra yêu cầu là phải xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, văn minh và trong dự thảo luật mới chỉ đặt mục tiêu là góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Một số luật phòng, chống khác như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Phòng, chống hại của rượu, bia, Luật Phòng, chống khủng bố v.v. và nhiều luật phòng, chống khác cũng không có quy định riêng mục tiêu về phòng, chống các vấn đề này. Hơn nữa mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình có thể thay đổi theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trình độ nhận thức dân trí trong từng giai đoạn, trong khi quy định của luật phải mang tính ổn định và có tính bắt buộc chung.

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 14 của dự thảo luật quy định một trong những yêu cầu của việc thông tin truyền thông giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình là phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo. Theo đại biểu, nếu chỉ phù hợp là chưa đủ mà cần bổ sung nhu cầu phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của các vùng miền vào quy định này nhằm loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với trình độ phát triển của xã hội hiện nay. Ví dụ, trong tuyên truyền giáo dục cần hướng đến việc thay đổi những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, là mầm mống dẫn đến bạo lực gia đình, như quan điểm nuôi dạy con là "thương cho roi, cho vọt". Tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của mỗi nhà, tâm lý "xấu chàng thì hổ ai", "đóng cửa bảo nhau" để không ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, bố mẹ, dòng họ.

Về phạm vi áp dụng, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng các hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều 4 với đối tượng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, với những lý do cơ bản như: Đây là những đối tượng không tồn tại trong quan hệ gia đình như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Hơn nữa, còn thiếu những quy định cụ thể về dấu hiệu để xác định thế nào là chung sống với nhau như vợ chồng. Vì tại khoản 7 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình, về giải thích từ ngữ chỉ quy định chung chung là chung sống với nhau, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng. Vậy rất khó để xác định như thế nào là cuộc sống chung, thời gian bao lâu, hình thức thế nào, khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc và coi nhau như vợ chồng thì có cần phải công khai và công khai thì đến mức nào? Đại biểu nhấn mạnh, cần có quy định về dấu hiệu để xác định thế nào là sống chung như vợ chồng để có căn cứ áp dụng quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nếu vẫn để ở khoản 2 Điều 4. Ngoài ra, với những hành vi tại khoản 1 Điều 4 trong dự thảo luật thì có một số hành vi không phù hợp với những người đã ly hôn như hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép mang thai, cản trở hôn nhân tiến bộ, v.v..

Về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với một số ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra và của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc cần nhận diện và phân loại theo nhóm các hành vi bạo lực gia đình để có cơ sở cho việc áp dụng phù hợp đối với từng loại đối tượng cũng như sử dụng từng loại biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp và hiệu quả.

Về hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã cố gắng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để thể chế hóa chủ trương trong Chỉ thị 06 của Ban Bí thư là phải chú trọng đến đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết, phân biệt, đó chính là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng, chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn có thể gọi là bạo lực ngôn ngữ. Loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy hậu quả khôn lường của việc cha mẹ quát mắng con cái, trong đó đã chỉ ra khi cha mẹ mắng chửi, chì chiết thì ở mức độ tổn thương về ngôn ngữ, tinh thần và thể xác của trẻ em là hoàn toàn như nhau, có thể dẫn đến thay đổi tiêu cực về cấu trúc của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ. Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến cho trẻ em cảm thấy tội lỗi, tự ti, dằn vặt bản thân và cho rằng mình luôn là người kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, những đối tượng còn non nớt, chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình. Một nhà nghiên cứu cũng đã từng nói "kẻ giết người hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ".

Theo số liệu gần đây của UNICEF trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòn roi, đánh đấm, 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, tát, ném đồ vật vào người con cái, còn khoảng 56,6% là bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chỉ rõ để dễ nhận diện được những loại hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.

Về các biện pháp, đại biểu cho rằng gia đình vốn được coi là lĩnh vực riêng tư, nhạy cảm và đa dạng, phong phú. Vì vậy việc xây dựng, tạo dựng và tồn tại của gia đình dựa trên nhiều yếu tố về tình cảm, tình yêu, sự quan tâm, thấu hiểu, tính nhân văn chứ không chỉ là những quy định pháp luật khuôn mẫu. Vì vậy các giải pháp cũng cần phải linh hoạt. Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc luật đã bổ sung Điều 56, quy định về trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ, không nên quy định cứng tại các khoản 8 Điều 56 là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hằng năm thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình, vì đây là một quy định rất cứng và việc tổ chức này cần có linh hoạt cả về phương pháp, cách thức, hình thức để phù hợp.

Minh Hùng