ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CẦN HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

15/08/2022

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, dự án luật cần mở rộng phạm vi, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, mở rộng các biện pháp để bảo đảm quyền, trách nhiệm của các thành viên gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tập trung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về du lịch, di sản văn hoá và công tác gia đình

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng. 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Những số liệu này cho thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống.

Theo đại biểu, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình. Mỗi gia đình, mỗi vùng miền có suy nghĩ, quan niệm khác nhau về bạo lực. Chính bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hằng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa vi phạm hình sự và vi phạm hành chính.

Tham khảo hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới, đại biểu cho biết, rất ít quốc gia có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình riêng. Họ điều chỉnh bạo lực gia đình qua Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phúc lợi cho bà mẹ, trẻ em và Luật Hình sự. Chỉ có hai quốc gia có luật tương đối giống Việt Nam là Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn Quốc điều chỉnh hành vi bạo lực gia đình bằng hai đạo luật. Còn Trung Quốc trước khi ban hành Luật Chống bạo lực gia đình, họ có Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

Đại biểu nêu rõ, quyền trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình đã được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, vấn đề là làm sao để thực hiện được các quyền đó. Các văn bản quy định chi tiết các luật trên cũng quy định các biện pháp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, tuy nhiên nếu các biện pháp này được luật hóa thì quyền và trách nhiệm của các thành viên sẽ được bảo đảm hơn. Lý do là luật được quy định dựa trên đòi hỏi của thực tiễn, khi luật ban hành thì bộ máy, con người thực thi pháp luật sẽ được điều chỉnh để quyết giải quyết các vấn đề đặt ra. Còn các văn bản dưới luật quy định không chỉ dựa trên đòi hỏi của thực tiễn mà còn bị tác động theo hướng phù hợp với bộ máy và con người sẵn có của các cơ quan hành pháp, tư pháp nên kết quả không được như kỳ vọng ban đầu.

Mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, nhưng theo đại biểu, điều xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ. Sửa đổi luật theo hướng này sẽ giúp mỗi cá nhân sẽ tìm thấy mình ở trong luật, hạnh phúc của mỗi gia đình sẽ được quan tâm hơn, các nội dung sẽ mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng phạm vi. Nội dung mới sẽ là các biện pháp xây dựng gia đình hạnh phúc. Nội dung phòng bạo lực gia đình sẽ được mở rộng hơn. Nội dung chống bạo lực sẽ là một chương cuối của luật. Luật mở rộng sẽ có tên là Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu luật được mở rộng các biện pháp để bảo đảm quyền, trách nhiệm của các thành viên đang phù hợp thực tiễn ở các văn bản dưới luật sẽ được đưa vào luật mới. Nếu có giám sát pháp luật về gia đình thì Quốc hội chỉ tập trung vào hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp trong luật mới. Các nội dung trong các luật có liên quan sẽ được giữ ổn định lâu dài.

Đại biểu nêu thực trạng, nhiều người mong có kinh tế như hiện nay và văn hóa được như xưa. Mặc dù không phải ai cũng đang có kinh tế ổn định, đặc biệt là những người lao động phổ thông, nhưng mong muốn đó cho thấy phần nào văn hóa thời gian qua đã chuyển biến theo hướng tiêu cực, trong đó có văn hóa gia đình. Về kinh tế chúng ta đang mong muốn đến năm 2030 nước ta có GDP bình quân đầu người 7.500 đôla/năm, là nước phát triển với nhiều nhóm ngành hàng mang thương hiệu quốc gia. Lúc đó chúng ta sẽ xây dựng nhiều hơn các chính sách dành cho người yếu thế, người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, kinh tế mỗi gia đình được ổn định. Vấn đề còn lại cần quan tâm, đó là văn hóa gia đình đến năm 2030 và sau đó như thế nào. Theo đại biểu, văn hóa gia đình cần được định hướng phù hợp với văn hóa quốc gia, theo đó, văn hóa gia đình cũng phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh. Giữ gìn truyền thống tốt đẹp, ví dụ tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ, bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà là đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và thụ hưởng như nhau về thành quả.

Đối với văn minh của thế giới, cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, cần bỏ hủ tục phải có trai nối dõi. Khoa học đã chứng minh gen của cháu nội hay cháu ngoại đều chứa hơn 20% thông tin di truyền của ông bà, như vậy cháu nội hay cháu ngoại cũng đều duy trì nòi giống cho ông bà. Việc thờ cúng thì ngày nay con gái, con rể hay cháu ngoại vẫn thực hiện chu đáo, chưa kể phần đông con gái quan tâm chăm sóc cha mẹ già tốt hơn con trai.

Đối với văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng, sống gần gũi, ăn mặc chỉnh tề, giành quyền ưu tiên nhận lãnh trách nhiệm, hy sinh cho nhau, sống vững niềm tin và làm tròn bổn phận vợ, chồng. Cha mẹ lúc nào cũng thương con, nhưng nếu người chồng tế nhị sẽ biết quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh đôi lúc người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con. Hay người vợ quan tâm đến chồng trước khi quan tâm đến con để người chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình.

Luật mở rộng sẽ quy định cụ thể hơn các biện pháp, làm rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát huy quyền bình đẳng của giới trong cuộc sống hằng ngày. Nam, nữ được tham gia các lớp tiền hôn nhân về trách nhiệm của vợ chồng, điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Vợ, chồng được học các lớp về sức khỏe sinh sản, cách nuôi con trong quá trình mang thai và sau khi sinh con, trách nhiệm của nhà trường xây dựng các lớp về giáo dục giới tính như là mô hình ở Ý, Đức, Thụy Sĩ; đẩy mạnh giáo dục nam giới, bé trai ứng xử văn hóa, văn minh đối với phụ nữ, trẻ em, gia đình, người già; trẻ em được bảo vệ khỏi môi trường bạo lực; bí mật đời tư, thông tin riêng của gia đình được bảo vệ; xã hội hình thành các tổ chức tư vấn hôn nhân, tư vấn tâm lý; cộng đồng nâng cao kiến thức về hòa giải. Khi đó xã hội là những gia đình mà các thành viên sống văn hóa, ứng xử văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc thì bạo lực gia đình tự động biến mất, chúng ta không phải lo lắng đến giải pháp cuối cùng để chống bạo lực gia đình bằng cách xử lý hành chính, cấm tiếp xúc hay hình sự.

Minh Hùng

Các bài viết khác