ĐBQH VÕ MẠNH SƠN: ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

18/08/2022

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thực tiễn tình trạng bạo lực gia đình nhiều năm qua ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An: Làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS&MN

Đề nghị xem xét thêm các hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình

Quan tâm đến dự thảo Luật này, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lần này nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong điều kiện hiện nay.

Góp ý vào quy định về hành vi bạo lực gia đình tại điểm m khoản 1 Điều 4, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị bổ sung yếu tố "cưỡng ép tảo hôn", "hôn nhân cận huyết thống". Đại biểu đề nghị xem xét thêm các hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình như tục bắt vợ, đưa vào hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống và đặc biệt là vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, quy định về người có hành vi bạo lực gia đình đối với những người đã ly hôn là chưa hợp lý, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, giải thích từ ngữ làm rõ các nội dung về đối tượng liên quan hành vi bạo lực gia đình đối với những người sống với nhau như vợ chồng, người đã ly hôn và những đối tượng có quan hệ huyết thống. Trong đó, những đối tượng đã ly hôn hoặc sống với nhau như vợ chồng ở khoản 2 Điều 4 thì không đưa vào các đối tượng quy định xử lý như vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình.

Về hoạt động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tại khoản 2 Điều 8 dự thảo có nêu "Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình là tháng cao điểm. Các cơ quan, tổ chức, gia đình cùng triển khai hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, tạo thành chuỗi sự kiện trên toàn quốc". Đây là tháng hành động quốc gia, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị không để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định mà nên để Chính phủ quyết định để thấy rõ tính chất quan trọng của tháng hành động. Qua đó, huy động các cấp, các ngành, toàn xã hội tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Về nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả bồi thường cho nạn nhân, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, nguồn tài chính khắc phục hậu quả bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cần được quan tâm nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi của khoản 4 Điều 12 quy định về trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra cho người bị bạo lực. Đề nghị dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đề cập về quyền của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình, Khoản 1 Điều 13 có quy định: "Cá nhân khi báo tin tố giác về hành vi bạo lực gia đình, tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đóng góp tài sản cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được Nhà nước ghi nhận, biểu dương, bảo vệ. Trường hợp bị tổn hại tới sức khỏe, thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật". Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, quy định trường hợp tổn hại về sức khỏe, thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật là cần thiết để bảo vệ và khuyến khích mọi người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm ý: người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị tổn hại sức khỏe, thiệt hại về tài sản thì trước hết người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường cho hành vi của mình gây ra, đảm bảo thống nhất với khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình

Về thông tin truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính của hiện trạng trên do nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất cao với 7 nhóm hình thức thông tin tuyên truyền, giáo dục tại Điều 16 dự thảo Luật. Trong đó, đại biểu cho rằng, hình thức ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những hình thức thông tin truyền thông, giáo dục có hiệu quả. Hoạt động này không chỉ có tác dụng truyền thông, giáo dục, giám sát, tăng cường ý thức trách nhiệm mà còn là cơ sở xử lý khi tái phạm. Người có hành vi bạo lực gia đình bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật phải ký cam kết không tái phạm hành vi bạo lực gia đình. Do đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị bổ sung thêm khoản 8 Điều 16, các hình thức thông tin truyền thông, giáo dục khác có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình.

Về xử lý mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình tại điểm a khoản 1 Điều 22 khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải”. Đại biểu đề nghị cần sửa thành: "khi phát hiện những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình xảy ra hoặc có khả năng xảy ra, các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải cơ sở thực hiện hòa giải". Khái niệm về tình huống là toàn thể những sự việc xảy ra tại một nơi trong thời gian buộc người ta phải suy nghĩ, hành động đối phó, chịu đựng.

Liên quan đến vấn đề xử lý tin báo tố giác tội phạm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định về địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác bạo lực gia đình tại khoản 2 Điều 27. Trường hợp tin báo tố giác là tội phạm thì việc tiếp nhận tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc xác định có tội phạm hay không phải có kết luận của cơ quan điều tra. Vì vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, chỉ cần cơ quan, cá nhân khi tiếp nhận tin báo tố giác quy định tại điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 27 mà xác định có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để tiến hành điều tra. Do vậy, đại biểu cho rằng cụm từ "tội phạm" trong dự thảo luật là chưa phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Cần sửa lại thành: trường hợp tin báo tố giác có dấu hiệu tội phạm thì việc tiếp nhận tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, khi tiếp nhận tin báo tố giác về bạo lực gia đình, tại khoản 2 Điều 28 quy định:"Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm phân công người xác minh”. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại theo hướng “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi tiếp nhận tin báo tố giác về bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm chuyển ngay cho công an cấp xã xác minh”, vì công an xã có quyền thẩm tra các xác minh sơ bộ tin báo về tội phạm ban đầu. Như vậy cũng phù hợp với Điều 32 của dự thảo luật./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác