Tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban TVQH đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua. Dự án Luật này được xây dựng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.
Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đại biểu Lê Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH Cà Mau
Nhằm hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Lê Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH Cà Mau cho rằng cần xem xét, rà soát, bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề về giới hạn, tổng độ rộng băng tần được phép sử dụng; về phương thức cấp phép, đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; về đảm bảo nguyên tắc tiếp cận thị trường minh bạch và cạnh tranh trong phân bổ tần số vô tuyến điện.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 18 quy định về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định cụ thể trong luật để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của pháp luật. Cụ thể như tại điểm 2 khoản 2 Điều 18 cần làm rõ nội hàm băng tần có giá trị thương mại cao, kênh tần số có giá trị thương mại cao. Trong đó trường hợp nào được cấp phép bằng hình thức thi tuyển? Trường hợp nào bắt buộc phải qua đấu giá? Hoặc quy định trong luật các nguyên tắc cơ bản giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng yếu tố mới tại khoản 3 Điều 18 để tránh việc tùy tiện, trong áp dụng pháp luật ở thời đại công nghệ thay đổi với tốc độ nhanh chóng như hiện nay.
Liên quan tới quy định tại Điều 11 của Luật Tần số vô tuyến điện, quy định có bốn loại quy hoạch tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị xem xét quy định một cách rõ ràng về băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao nằm trong nội dung quy hoạch tần số cụ thể.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và của tổ chức được cấp phép sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra đăng ký tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam, nhằm huy động tối đa các nguồn lực để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của Việt Nam, điểm b, c khoản 13, điểm d khoản 16 Điều 1 của dự thảo luật. Đại biểu đề nghị, tại điểm d khoản 16 Điều 1 dự thảo luật đã bổ sung cụm từ "và kiểm tra các đăng ký tần số, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài" sau cụm từ “vệ tinh” tại khoản 8 Điều 30. Do đó, đề nghị cần rà soát, bổ sung cụm từ "tương ứng" tại Điều 41 để đảm bảo tính đồng bộ. Cụ thể như sau: Điều 41 “các trường hợp đăng ký phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh phải tham gia thực hiện việc đăng ký phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và kiểm tra các đăng ký tần số quỹ, đạo vệ tinh của nước ngoài trong các trường hợp sau đây".
Tại điểm c khoản 13 Điều 1 của dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là kiểm tra báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kết quả kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài được Liên minh viễn thông quốc tế công bố, có khả năng ảnh hưởng đến vệ tinh đã được cấp phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh. Đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về mức độ trách nhiệm kiểm tra của doanh nghiệp sở hữu, sử dụng vệ tinh. Đồng thời, xem xét bổ sung trách nhiệm, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ ba, tại khoản 5 Điều 4 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, có quy định là chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tham gia đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh, đề nghị dự thảo luật lần này xem xét, bổ sung nội dung quy phạm pháp luật cụ thể nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời xem xét quy định cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông duy trì quyền sử dụng quỹ đạo vệ tinh đối với các vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2 khi hết hạn khai thác sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian. Trong thực tiễn thì quy trình, thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số để phóng được một vệ tinh là rất phức tạp và tốn nhiều chi phí, thời gian, do đó rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.