ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG: CẦN NGHIÊN CỨU LẠI KHÁI NIỆM TÀI SẢN ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

16/09/2022

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu lại khái niệm tài sản để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng về giải thích từ ngữ tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Tuy nhiên tại khoản 3, Điều 105 của Bộ luật Dân sự quy định về khái niệm tài sản, đại biểu nhận thấy khái niệm về tài sản nhưng hai luật này quy định khác nhau, không thống nhất. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại khái niệm tài sản để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến xác minh thông tin nhận biết khách hàng được tại Khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định: Đối tượng báo cáo có thể thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử; cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; tổ chức quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này để đối chiếu thông tin khách hàng cung cấp. Không thống nhất với quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật Căn cước công dân quy định: Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét để đảm bảo các quy định của dự thảo Luật, thống nhất với các quy định hiện hành về khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 49 của dự thảo trong việc ban hành trình tự, thủ tục thống nhất để các đối tượng báo cáo có thể xác minh thông tin, nhận biết của khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Liên quan đến nội dung trì hoãn giao dịch tại điểm a, Khoản 1, Điều 44 của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định “Đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch ngay khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội”. Đại biểu tán thành ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế và cho rằng, nếu Chính phủ quy định chi tiết sẽ không phù hợp với Hiến pháp, bởi vì theo quy định tại Hiến pháp việc giới hạn quyền công dân phải được thực hiện, quy định trong các văn bản Luật. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ hơn các quy định để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật./.

Ánh Nguyệt

Các bài viết khác