ĐBQH ĐỒNG NGỌC BA: CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG VIỆC SỬ DỤNG TẦN SỐ PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG AN NINH KẾT HỢP VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ

15/10/2022

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng cần đánh giá kỹ tác động việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp với phát triển kinh tế.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và cách thức cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật sau Kỳ họp thứ 3.

Đi vào nội dung cụ thể về vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp với phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất lớn trong chính sách, có nội dung mới so với luật hiện hành. Dự thảo hiện nay có đưa ra 2 phương án. Phương án 1 giữ nguyên như dự thảo trình, tức là trong trường hợp đặc biệt thì doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có thể sử dụng kết hợp với mục đích kinh tế đối với tần số đã được phân bổ cho việc sử dụng nhằm phục vụ quốc phòng, an ninh. Đại biểu cho rằng phương án này cần phải nghiên cứu kỹ thêm, cần thận trọng và cũng chưa nên đặt vấn đề này trong giai đoạn hiện nay, vì trong tổng kết thi hành cũng như Báo cáo đánh giá tác động, không có những thông tin, số liệu thực tiễn liên quan làm cơ sở cho phương án này. Trong thực tiễn, các tần số cấp cho bên quốc phòng thì cơ bản chỉ dùng phục vụ cho mục đích quốc phòng, chứ không có những dôi dư để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế. Ở đây chỉ cấp cho bên công an thì cần đánh giá thực tiễn xem là dư địa đối với những tần số cấp cho bên ngành công an để sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh thì tiềm năng để có thể sử dụng kết hợp sang mục đích kinh tế như thế nào. Cần xem vấn đề này tác động như thế nào đến quy hoạch đánh giá tác động đến môi trường kinh doanh như thế nào để vừa đảm bảo được mục đích quốc phòng, an ninh, nhưng vẫn đảm bảo được mục đích là phát triển kinh tế.

Về Phương án 2, đại biểu cho rằng đây thực ra là một chính sách rất mới. Theo đó, quy định xoay sang hướng là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thì có thể được phân bổ các tần số để phục vụ cho phát triển kinh tế, nhưng lại kết hợp với phục vụ quốc phòng, an ninh. Nếu như trước đây chúng ta trình theo phương án là tần số được phân bổ cho việc sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh thì có thể kết hợp với mục đích kinh tế thì bây giờ phương án 2 ở đây, tại Điều 18 phương án mới lại là phân bổ tần số để cho phát triển kinh tế, mục đích kinh tế nhưng có thể sử dụng kết hợp cho mục đích quốc phòng, an ninh. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ đối với chính sách này

Về vấn đề quyền chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu cho rằng, nếu nói về quyền tài sản thì chủ thể có quyền tài sản người ta có quyền sở hữu, trong đó có quyền chuyển nhượng và các quyền khác theo quy định của pháp luật dân sự. Trong pháp luật hiện hành cũng như trong dự thảo hiện tại ở Điều 24 thì chỉ đặt vấn đề cho phép chuyển nhượng đối với trường hợp tần số vô tuyến điện được phân bổ cấp giấy phép theo phương thức đấu giá, còn theo các phương thức khác không đặt ra. Ở đây có 2 vấn đề, một là trên thực tế đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện đấu giá, tức là chưa có việc chuyển nhượng. Trong khi chúng ta cần có những biện pháp để thúc đẩy thị trường của loại hàng hóa này thì cũng nên tính việc nghiên cứu có thể mở rộng quyền để được chuyển nhượng tần số vô tuyến điện hay không, có thể mở rộng ra đối với cả phương thức thi tuyển hay phương thức cấp trực tiếp và chúng ta quy định các điều kiện không.

Bên cạnh đó, về kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề nghị quy định theo đúng nguyên tắc của pháp luật tư. Bởi vì, đây là quyền của các tổ chức, của các doanh nghiệp là nếu không cấm thì doanh nghiệp được làm, không nên quy định theo cách cho phép. Vì vậy, đại biểu cho rằng nên quy định theo hướng là những trường hợp nào bị cấm chuyển nhượng chứ không nên quy định theo cách là cho phép.

Đối với các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, đại biểu cho biết, dự thảo luật đã được chuẩn bị khá công phu và có những đánh giá tác động về thủ tục hành chính khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn cần phải rà soát tiếp để loại bỏ những thủ tục không thực sự cần thiết, không xác đáng. Cụ thể, về vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần được cấp phép thông qua đấu giá, trong dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 3 có đưa ra vấn đề Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, tức là chấp thuận bằng văn bản. Sau đó, có ý kiến của các đại biểu Quốc hội chúng ta điều chỉnh lại không gọi là chấp thuận bằng văn bản, dự thảo Luật lại quy định là Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận việc chuyển nhượng, không nói là bằng văn bản. Đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ vấn đề này, không nên quy định thủ tục này khi đã có những điều kiện rất chi tiết, cụ thể trong Điều 24 để các chủ thể được thực hiện chuyển nhượng.

Ngoài ra, trong dự thảo nghị định quy định chi tiết có quy định cụ thể thêm nhiều loại giấy phép và có quy định những trường hợp mà có tính chất giấy phép trá hình, đặc biệt là cần rà soát quy định về vấn đề thông báo của Cục Tần số vô tuyến điện để chấp thuận đăng ký thuê, mượn đài nghiệp dư ở khoản 4 Điều 30 của dự thảo nghị định, đây chính là giấy phép con.

Hồ Hương

Các bài viết khác