DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): PHẢI BÁM SÁT, THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ NGHỊ QUYẾT SỐ 18/NQ-TW CỦA BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

20/10/2022

Công tác lập pháp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chia sẻ bên lề Kỳ họp, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Luật phải thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

TỔNG THUẬT SÁNG 20/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, công tác lập pháp với  khối lượng công việc rất nặng nề, có phạm vi rộng lớn, chứa đựng những vấn đề chuyên sâu, trong đó có những dự án luật ngay trước thềm Kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, cử tri và Nhân dân cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

"Giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được áp dụng phù hợp với thực tiễn, hiệu quả thời gian qua;…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề Phiên khai mạc, nhiều ý kiến đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi toàn diện dự án Luật Đất đai hiện hành. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân và bảo đảm một số nguyên tắc chung.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Các cơ quan của Quốc hội cũng luôn theo sát quá trình xây dựng dự án Luật, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự thảo Luật có nhiều điểm mới như: Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp,...

Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như quy định về việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;... Cử tri và nhân dân mong đợi những quy định tại dự luật phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với sự đồng hành, sát sao của Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật sẽ cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các chủ trương, chính sách lớn trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Cùng mối quan tâm tới dự luật này, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026, dự kiến phải thông qua tại 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng.

Nhấn mạnh Quốc hội đã xác định đây là một Luật rất khó, chuyên sâu và rất phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp hết sức quan trọng, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai vừa là thách thức, vừa là cơ hội, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo không gian mới, động lực mới để đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai;...

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh 

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, sau gần 10 năm thi hành, bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, Luật Đất đai hiện hành cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; vấn đề giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; ..

Khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là vô cùng cần thiết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, dự luật cần phải bám sát, thể chế hóa đầy đủ  Nghị quyết số 18-NQ/TW với 05 quan điểm, 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi  là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, được Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp trù bị sáng ngày (20/10/2022), dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp toàn thể vào sáng ngày 14/11/2022 tới đây./.

Lê Anh