ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI 08 VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

22/10/2022

Đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ cần báo cáo, phân tích làm rõ hơn nữa thực trạng, những nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua; đồng thời đề xuất giải pháp đối với 08 vấn đề.

VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC VÀ Y TẾ XIN NGHỈ VIỆC GIA TĂNG KHÔNG CHỈ DO MỨC LƯƠNG, PHỤ CẤP THẤP

ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: SỚM ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ NHẰM TẠO MÔI TRƯỜNG AN TÂM CHO DOANH NGHIỆP TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Nội dung này vừa được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại Tổ và dự kiến cho ý kiến tại Hội trường vào ngày 27/10 tới.

Đóng góp ý kiến đối với nội dung trên, đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh về kinh tế - xã hội trong 9 tháng và dự kiến cả năm có thể nói là diện mạo khởi sắc, khả quan, toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chúng ta đạt. Tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.


Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Trần Văn Khải khẳng định, để đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò có tính chất quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, sự chủ động, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Có thể nói, chúng ta huy động được một sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, góp phần quan trọng cho thắng lợi là sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của người dân đóng góp cho sự thành công là rất lớn. Gần 100 triệu dân đồng lòng ủng hộ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đây là nhân tố hết sức to lớn. Cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Chính phủ cần báo cáo, phân tích làm rõ hơn nữa thực trạng, những nguyên nhân khách quan, chủ quan củ sự phát triển nền kinh tế-xã hội trong thời gian qua; đồng thời đề xuất giải pháp đối với 08 vấn đề:

Thứ nhất, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã hết 9 tháng rồi nhưng chúng ta mới thực hiện ước đạt được khoảng 40%. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhất là các công trình quốc gia nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ, về nội dung này cần đánh giá đúng tình hình, làm rõ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và yếu kém trong tổ chức thực hiện. Việc chậm trễ giải ngân nguồn vốn vay như vậy là không hợp lý, các đồng chí xem xét lại, bây giờ hầu như các nguồn ODA các nơi mà giải ngân ODA tiến độ rất thấp, chưa đến là 40%. Năm nào chúng ta cũng nói đầu tư công là điểm nghẽn nhưng năm nay nghẽn chỗ nào, nghẽn ở đâu, nghẽn ở trung ương, nghẽn ở địa phương, nghẽn ở những công trình, dự án nào? Chính phủ chỉ đạo như thế nào trong thời gian tới? Đề nghị Chính phủ báo cáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân.


Đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Thứ hai, chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết 43 của Quốc hội được triển khai rất chậm. Nghị quyết chỉ có hiệu lực thi hành trong 2 năm kể từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023, tính đến nay đã gần 1 năm rồi nhưng về căn bản toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ chưa giải ngân, ảnh hưởng rất lớn đến sử dụng vốn và mục tiêu, ý nghĩa của Nghị quyết là hà hơi, tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Nhưng vấn đề hiện nay cử tri rất quan tâm là triển khai Nghị quyết 43 về gói kích thích kinh tế về tài khóa, tiền tệ rất chậm, nhất là về tiền tệ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Chúng ta đã thống nhất bù lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để kích thích cho doanh nghiệp phát triển thì hiện nay nó lại ngược lại. Bây giờ lãi suất vay của ngân hàng có những gói doanh nghiệp phải vay tới 15% và dự báo sẽ còn tăng cao nữa trong thời gian tới. Cùng với việc siết room tín dụng nữa thì một số doanh nghiệp rất khó khăn chỗ này. Dòng tiền đang hoạt động bình thường, khi đến hạn trả nợ trả vào ngân hàng không cho vay nữa, thế là doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ rất cao vì tình trạng đó. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, theo báo cáo thì thu ngân sách càng về cuối năm nó giảm dần, đó là câu chuyện chỉ báo củ các doanh nghiệp, bởi vì thuế một là từ đất đai, hai từ doanh nghiệp, các doanh nghiệp mà rút khỏi thị trường thì còn đâu mà đóng thuế, đồng nghĩa với đó là việc làm cho người lao động rất khó khăn. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan.

Thứ ba, thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vừa qua, một số vụ án lớn liên quan đến thị trường Bất động sản, chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã xảy ra, đây là những vấn đề cử tri hết sức quan tâm và đặt vấn đề đối với trách nhiệm của Nhà nước đối với việc quản lý đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ. Rõ ràng, đã có những lỗ hổng thì họ mới phát hành được và bây giờ xem xét lại thì thấy vi phạm pháp luật thì phải xử lý là đúng rồi, nhưng nếu như mình quản lý tốt hơn thì có xảy ra như thế không? Đây là những vấn đề mà cử tri đang rất quan tâm. Cử tri cũng rất lo lắng về việc ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một vài ngân hàng thương mại gần đây. Đề nghị Chính phủ làm rõ khoảng trống pháp lý nào trong quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để có giải pháp khắc phục.  

Thứ tư, cử tri hết sức quan tâm đến thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Lạm phát ở nước ta tuy được kiểm soát tốt ở 9 tháng đầu năm, chỉ số của 9 tháng tăng 2,8%, tuy nhiên chúng ta là một quốc gia có độ mở thương mại cao trên thế giới, gần như là trong nhóm cao nhất thế giới, xếp thứ 11/174 quốc gia, do vậy thì luôn có độ trễ. Chúng tôi nghiên cứu luôn có độ trễ lạm phát so với các nước trên thế giới khoảng 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, chi phí đẩy sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của những tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023 nên đề nghị Chính phủ rất lưu ý.

Thứ năm, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân có hiện tượng tăng cao: Tính 2,5 năm qua, có khoảng 39.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư nhân hoặc nghỉ việc. Có quan điểm cho rằng, việc đó là việc bình thường, nhưng cử tri rất quan tâm, cũng có ý kiến cho rằng có yếu tố không bình thường. Vì vậy, đề nghị cần có đánh giá một cách thật khách quan nào, phần nào là bình thường, phần nào là không bình thường để chúng ta nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ về tình trạng này.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, trong 2 năm vừa qua số lượng tăng rất cao như vậy thì rõ ràng có một phần bình thường nhưng cũng có một phần không bình thường. Chúng ta phải có một nhìn nhận thật khách quan và đầy đủ cho yếu tố này để chúng ta có giải pháp cho phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ về chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thời điểm tăng mức học phí... để từ đó đề xuất các giải pháp.

Thứ sáu, về vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số: Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, nước ta đã có những nỗ lực nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn. Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 20% GDP nhưng cho đến nay mới được khoảng 10,4% với hơn 63.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông như thế này. Với mức độ tăng trưởng Internet cỡ khoảng 28-29%/năm thì thấy được mục tiêu thách thức đối với 20% GDP của kinh tế số cho đến năm 2025. Chính vì thế cho nên, năm 2023 đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến khía cạnh triển khai, đặc biệt nhấn mạnh là cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin.

Thứ bảy, cử tri và doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đến tiến độ phê duyệt quy hoạch điện 8: Đại biểu Trần Văn Khải rất mong Chính phủ sớm có phê duyệt quy hoạch điện 8 để làm sao mà các doanh nghiệp có thể triển khai được và xử lý những tình huống phát sinh làm sao cho hài hòa nhất. Liên quan đến Quy hoạch Điện VIII thì gắn với chuyển dịch năng lượng để trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, chúng ta hết sức lưu ý, thận trọng vì đòi hỏi cần một nguồn kinh phí rất lớn, có nguồn công nghệ hiện đại và năng lực quản trị rất cao. Cả ba mặt này, Việt Nam đang rất thiếu.

Thứ tám, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2022, cử tri đang băn khoăn một số nội dung sau:

Một là, về thu tiền sử dụng đất, theo báo cáo của kiểm toán Nhà nước làm việc với một số địa phương, hiện tại vẫn ước đạt dự toán. Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị chỗ này xem xét, vì rất nhiều địa phương đến nay tạm dừng, đang chờ, vì hầu hết các đơn vị thẩm định giá, xác định giá đất này rất khó khăn, cho nên triển vọng thu tiền sử dụng đất khó đạt.

Hai là, Chính phủ cần lưu ý hơn là tổng nợ thuế có tăng so với thực hiện 2021, tức là nợ đọng thuế có tăng thêm, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mức dự kiến tăng thêm khoảng 16,5%. Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ thu hồi, xử lý nợ đọng, phấn đấu thu nộp ngân sách cao hơn.

Ba là, về ngân sách năm nào chúng ta thu đạt và vượt, việc này phải chăng dự thu chúng ta còn thấp, từ đó thu thực tế đều tăng cao, kể cả những năm 2020-2021 dịch COVID-19 tính rằng thu không được nhưng vẫn thu được./.

Bích Lan

Các bài viết khác