ĐBQH LÝ ANH THƯ: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

28/10/2022

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần rà soát quy định về yêu cầu trong truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, tránh liệt kê không cần thiết, mà cần quy định nguyên tắc chung để linh hoạt trong áp dụng Luật.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Cần rà soát quy định về truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đánh giá cao dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội trong lần này. Đánh giá Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý rất kỹ lưỡng và chi tiết, đại biểu thống nhất trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này và sớm ban hành để sớm tạo hiệu quả trong thực tế đời sống.

Đóng góp ý kiến về quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, đại biểu Lý Anh Thư cho biết, tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Dự thảo Luật quy định về đảm bảo yêu cầu trong việc thông tin, truyền thông giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định: Việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các yêu cầu "phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn, chú trọng đến phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực". Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa phù hợp bởi những lý do sau đây:

Đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Thứ nhất, điều khoản sửa đổi này mang tính chất liệt kê, trong khi đó, đối tượng cần phải tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình là rất nhiều, khó có thể liệt kê hết từng đối tượng. Về mặt kỹ thuật lập pháp, chúng ta nên quy định một cách chung nhất để tránh làm dài dòng các điều khoản và đảm bảo điều khoản mang tính khái quát cao, bao quát được hết mọi đối tượng và sẽ là một điều khoản mở, giúp vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khác nhau, tránh bị gò bó vào một hoặc một số đối tượng nhất định, bỏ qua những nhóm đối tượng có nguy cơ cao khác. Đại biểu cho rằng, nếu có quy định thì nên quy định chi tiết những loại đối tượng này vào nghị định.

Thứ hai, việc liệt kê từng đối tượng tại điều khoản này là chưa rõ ràng, không đầy đủ, chưa phù hợp khi đưa vào đối tượng người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực gia đình là một trong những đối tượng cần xem xét truyền thông giáo dục.

Làm rõ khái niệm người kỳ thị, người phân biệt đối xử, định kiến về giới

Thực tế chưa có bất kỳ điều khoản nào hoặc bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa chính xác khái niệm về đối tượng người kỳ thị, người phân biệt đối xử, định kiến về giới, điều này vô hình dẫn đến việc quy chụp, đánh giá, xác định người kỳ thị, phân biệt, đối xử, định kiến về giới dựa vào cảm giác, cảm quan, nhận định cá nhân, người thực hiện tuyên truyền, giáo dục, phòng chống bạo lực gia đình.

Đại biểu cho rằng, trong thực tế, việc xác định một người kỳ thị, người phân biệt đối xử, định kiến giới thì phải có xác định thông qua hành vi và chúng ta có thể nhìn thấy thông qua hành vi, xác định hành vi đó có phải là người có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử về giới hay không căn cứ vào quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 Luật Bình đẳng giới đã khái niệm định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.

Do đó, đại biểu cho rằng, trong trường hợp cần liệt kê nhóm đối tượng này, nên sửa lại điều khoản này như sau: “người thường xuyên có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử, định kiến giới hoặc có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử khác” để đảm bảo phù hợp hơn với Luật Bình đẳng giới.

Với điều luật này, đại biểu cũng đồng tình với việc giữ nguyên quy định tại điểm b khoản 2 đã thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đó là phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, vùng miền hơn là sửa đổi theo hiện tại. Nếu có sửa đổi điều khoản này, đại biểu đề nghị sửa thêm để thực hiện đồng thời, thống nhất trong quy định.

Theo đó, điểm d khoản 2 Điều 16 dự thảo luật đang quy định: người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt, đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực gia đình là đối tượng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị sửa đổi điều khoản này như sau: người thường xuyên có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử, định chuyển giới hoặc kỳ thị, phân biệt, đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực.

Hồ Hương