ĐBQH THÁI QUỲNH MAI DUNG: NÊU RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

29/10/2022

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần bổ sung thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp thay vì riêng cấp xã trong việc thực hiện tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ngoài ra, đại biểu xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Về nội dung bổ sung đối tượng là những người đã ly hôn hay những người chung sống như vợ chồng tại khoản 2 Điều 3, đại biểu nhất trí với việc bổ sung này. Theo đó, dự thảo Luật quy định: Hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất, đại biểu đề nghị khoản 1 Điều 2 khi giải thích về bạo lực gia đình thì bổ sung thêm cụm từ "bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình và đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 3 luật này" để đảm bảo tính thống nhất của dự án luật.

Điều 16 về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ cùng cấp và tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu nêu đã tiếp thu ý kiến bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã tại khoản 3 Điều 16, trong đó có nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết,khi Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc gửi dự thảo luật này xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã thì một số Ủy ban nhân dân cấp xã cho rằng việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình để cho cấp tỉnh hay cấp huyện làm thì tốt hơn, vì cấp xã năng lực của họ cũng tương đối hạn chế. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp chứ không phải chỉ mỗi cấp xã trong việc thực hiện tư vấn và tập huấn. Tương tự, nội dung này được quy định ở khoản 5 Điều 18.

Điều 18 quy định về tiến hành hòa giải để phòng ngừa bạo lực gia đình, trong đó, khoản 1 quy định: “Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vụ việc bạo lực gia đình nhằm ngăn ngừa bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn; trường hợp cần thiết mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp, người trong cơ quan, tổ chức tham gia.” Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là người có kinh nghiệm hòa giải trong trường hợp cần thiết, ngoài các đối tượng như đã quy định trong dự thảo luật.

Khoản 4 Điều 18 quy định: “Khuyến khích người được đào tạo về công tác xã hội, tâm lý học; người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.” Đại biểu cho rằng, cần đưa khoản này lên Điều 6 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thì phù hợp hơn.

Bổ sung đầy đủ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngoài ra, đối với các quy định tại Điều 19, 20 có nêu trách nhiệm của cơ quan công an hay đồn biên phòng gần nơi xảy ra vụ việc khi nhận được tin báo, tố giác thì phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền. Khi quy định tại Điều 22 liên quan đến việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã, nơi xảy ra vụ việc thì có phù hợp hơn không khi bản thân cơ quan công an hay đồn biên phòng ở gần nơi xảy ra vụ việc đã can thiệp ngay từ đầu, bây giờ lại thêm một bước cơ quan công an ở gần nơi xảy ra vụ việc đã xử lý lại chuyển sang công an xã hay như thế nào?

Về Điều 40 điểm b khoản 2, liên quan đến cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể, nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định là nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình cũng cần phải có điều kiện là chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình giống như giám đốc của cơ sở, bởi vì họ những mới là những người tiếp xúc trực tiếp.

Toàn cảnh phiên họp

Về Điều 48 trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật quy định rõ, Bộ có trách nhiệm: Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn tư vấn, thông tin, giáo dục, truyền thông; biên soạn tài liệu mẫu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì thực hiện thống kê nhà nước và quản lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện, tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Hướng dẫn các địa phương đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước cộng đồng dân cư

Tôi đề nghị là chuyển khoản 2 Điều 7 liên quan đến trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch liên quan đến thực hiện chương trình “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” đưa về điều này cho về cùng một đầu mối. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Hồ Hương