ĐBQH PHẠM HÙNG THẮNG: LINH HOẠT HƠN VÀ CÔNG KHAI KỊP THỜI THÔNG TIN VỀ CÁC KỊCH BẢN ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT, TỶ GIÁ

29/10/2022

Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh. Đây là ý kiến của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, đạt tỷ lệ thấp.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, từ đầu năm đến nay trong bối cảnh khá đặc biệt, với những thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, cả thế giới và Việt Nam đã và đang chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những tác động ảnh hưởng của hậu COVID-19 còn rất nặng nề, nhiều yếu tố tác động khách quan cả trong nước và nước ngoài đều bất thường, khó lường, khó dự báo. Đặc biệt là tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã có tác động tiêu cực rất nhiều.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó phải nói đến những quyết sách kịp thời chưa có tiền lệ của Quốc hội thông qua việc ban hành Nghị quyết số 30 của Quốc hội ngay từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và sau đó là Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được giữ được ổn định.

Mặc dù thế giới gia tăng lạm phát nhưng Việt Nam đã kiểm soát tốt, dự báo có thể giữ được mục tiêu Quốc hội đặt ra. Doanh nghiệp thành lập mới quay lại thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc. Mặc dù thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao hơn dự báo và kỳ vọng, đời sống Nhân dân, nhất là của người nghèo, người khó khăn được đảm bảo hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhìn vào những lĩnh vực cụ thể, những khía cạnh sâu cũng còn nhiều điều chúng ta cần phải quan tâm, trăn trở, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt năm nay việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Đến nay, tỷ lệ giải ngân không đáng kể, chủ yếu mới giải ngân phần vốn của địa phương. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng chậm. Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm được giá xăng, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho biết, Ngân hàng nhà nước vừa nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất trong lịch sử. Điều này kéo theo chi phí vốn huy động, lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng dù lạc quan thì Việt Nam cũng chủ động và thẳng thắn nhìn nhận thực tế về tính chưa bền vững tăng trưởng của đất nước, sức chống chịu của nền kinh tế vẫn còn yếu, cần phải được quan tâm. Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

Đại biểu nhất trí cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta.

Toàn cảnh Kỳ thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào tình hình kinh tế - xã hội.

Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội trong bối cảnh phục hồi. Dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường người lao động để người dân và doanh nghiệp chủ động thích ứng.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, giảm việc chi chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước từ năm trước sang năm sau.

Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật khác nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhưng cần phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, xong cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương. Song song với việc nâng lương cơ sở, cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội, hiện nay đang là 360.000 đồng/1 tháng là rất thấp và khó khăn cho các đối tượng được trợ giúp./.

Lan Hương