LỰA CHỌN THÀNH LẬP CÁC CƠ QUAN THANH TRA THEO NGÀNH, LĨNH VỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN
CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHẬM BAN HÀNH KẾT LUẬN THANH TRA
Luật hóa nhiều quy định trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, theo đó báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật rất rõ các ý kiến của đại biểu.
Góp ý về một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ nhất trí về bố cục dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung như báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình, với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định trước đây được quy định tại nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã được luật hóa cụ thể vào trong luật, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện tổ chức triển khai thực thi luật; đồng thời kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng bày tỏ thống nhất việc tổ chức các cơ quan thanh tra cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện để đảm bảo phù hợp và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở.
Đối với quy định về thanh tra sở, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với quy định trong dự thảo luật, trong đó phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc các trường hợp thành lập thanh tra sở được quy định tại khoản 2 Điều 26, nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi với quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi, cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau.
Tại điểm d khoản 1 Điều 23, dự thảo luật quy định trách nhiệm của thanh tra tỉnh: "thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra". Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đây là thanh tra hành chính, vậy các cuộc thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ được tổ chức như thế nào? Quy định như dự thảo luật liệu có quá tầm đối với thanh tra tỉnh hay không? Bởi mọi lĩnh vực có tính chất đặc thù riêng, đồng thời, quy định như vậy liệu có bỏ sót trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành hoặc có tạo ra sự xung đột thẩm quyền của thanh tra tỉnh và các sở không thành lập cơ quan thanh tra hay không? Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc và giải trình rõ những nội dung trên.
Phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.
Góp ý Điều 50 quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra. Theo đó, tại khoản 3, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung cụm từ "phạm vi" sau cụm từ "người đứng đầu đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung" nhằm quy định rõ trách nhiệm của đoàn thanh tra phải tiến hành đúng phạm vi để đảm bảo nguyên tắc hoạt động thanh tra được quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo luật là không trùng lặp về phạm vi.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo luật để tránh trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đồng thời quy định rõ về thành lập đoàn thanh tra liên ngành.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng góp ý quy định về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, tại khoản 1 Điều 34 quy định tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ chỉ khi đáp ứng 2 điều kiện: được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra. Về vấn đề này, trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu: "Để đáp ứng yêu cầu quản lý thì một số cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan khác của Nhà nước như Ban Cơ yếu Chính phủ đã được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra". Tuy nhiên, trong các cơ quan trên chỉ có cơ quan thanh tra trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã được nêu rõ trong dự thảo luật tại khoản 4 Điều 9 và Điều 114, còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được đề cập trong dự thảo luật.
Đồng thời, dự thảo luật chưa quy định rõ cơ quan thuộc Chính phủ có cơ cấu tổ chức theo ngành dọc thì chỉ thành lập cơ quan thanh tra ở Trung ương hay cả Trung ương và địa phương. Do đó, để tránh cách hiểu khác nhau cũng như để thuận tiện trong quá trình áp dụng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 34:
Đối với khoản 3 Điều 9, đề nghị sửa đổi cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của luật này.
Tại khoản 2 Điều 34 đề nghị sửa đổi "tổ chức cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan thuộc Chính phủ có cơ cấu tổ chức theo ngành dọc được thành lập cơ quan thanh tra theo khoản 1 điều này thì được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp trung ương và địa phương".
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.