ĐBQH TRẦN QUANG MINH: CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH SAU HÀNG CHỤC NĂM "ĐẮP CHIẾU" ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI CÔNG NĂNG SỬ DỤNG NHƯNG KHÔNG HIỆU QUẢ

31/10/2022

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, hiện có nhiều công trình bị bỏ lửng hàng chục năm, tài sản xuống cấp, hư hỏng nhiều; có những công trình sau hàng chục năm "đắp chiếu" được chuyển đổi công năng sử dụng và sự chắp vá này dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

Thực hiện Kỳ họp thứ 4, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tán thành cao đối với Báo cáo của Đoàn giám sát. Có thể nói, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa, sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm. Khó khăn là vậy nhưng chúng ta là dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với cả công trình, dự án và các hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ, hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát.


Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình về những thất thoát quá lớn. Trong khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn đang nghèo khó. Ngoài việc quy kết có hành vi tham nhũng thì hành vi gây thất thoát, lãng phí còn khó khăn, hạn chế. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng thì không loại trừ nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra những quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường. Điển hình như những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua. Hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: giai đoạn 2016 đến 2021 có nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát lãng phí; hàng chục nghìn hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác báo cáo giám sát chưa chỉ ra và cũng chưa khẳng định.

Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công ở nước ta được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu. Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ví dụ điển hình trong thời gian qua đó là 1 trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt chính là tốc độ tăng năng suất lao động.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực. Trước hết, đối với lĩnh vực công, cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng, thay vì thiên về định tính như hiện nay. Thời gian qua, hầu hết các chủ trương ban đầu đưa ra cơ bản là hợp lý, đúng hướng. Tuy nhiên, khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản, đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong Nhân dân. Điển hình như việc sử dụng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 là một chính sách nhân văn, mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung nhưng khi triển khai thực tế gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ nhiều khâu dẫn đến thua lỗ kéo dài.


Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã tiến hành thanh lý các tàu với giá rất thấp, chỉ bằng 10% giá trị ban đầu, nhiều ngư dân đã trở thành "con nợ" sau vài chuyến biển. Điều đáng nói ở đây là sự lãng phí xảy ra khi chính sách chưa đi tới nơi, nhiều ngư dân bày tỏ sự tiếc nuối. Ở Quảng Bình hiện nay, 69 tàu bị liệt kê vào nợ xấu, trong đó có 33 tàu nằm bờ cho hư hỏng, bị ngân hàng phong tỏa. Những ngư dân và thậm chí cả ngân hàng cho rằng, cần thiết có sự điều chỉnh chính sách và đồng hành kịp thời bằng việc ban hành chính sách hỗ trợ mới tiếp nối để họ tiếp tục được đăng kiểm và vươn khơi, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.

Trong thực thi chính sách, tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" thường dẫn đến sự lãng phí và không chỉ thế còn đem lại sự khó khăn, khó xử cho rất nhiều người đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách. Chính vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách từ khi ban hành và triển khai. Cụ thể, cần áp dụng rộng rãi các công cụ khảo sát theo nhóm đối tượng để đánh giá nhu cầu và quy trình, thủ tục có khả thi hay không, thời gian cần thiết để hấp thụ chính sách của đối tượng là bao nhiêu. Mặt khác, nếu thời hạn triển khai chính sách khiêm tốn, quy mô nguồn lực, chính sách chưa đủ bao phủ, trong khi số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều thì lợi ích dễ bị dàn trải, hiệu quả không rõ rệt. Nếu chính sách không khả thi thì cần dũng cảm không bắt đầu, còn nếu bắt đầu phải triển khai cho tới nơi, tới chốn, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chính sách, có như thế mới hạn chế được sự lãng phí.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng đưa ra thực trạng là tại các địa phương, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, nước đều trong tình trạng bố trí vốn khống theo tiến độ dự án, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn, tình trạng vốn "nhỏ giọt". Điều này đã khiến cho nhiều công trình bỏ lửng hàng chục năm, tài sản xuống cấp, hư hỏng nhiều, có những công trình sau hàng chục năm "đắp chiếu" được chuyển đổi công năng sử dụng và sự chắp vá này dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả.

Đối với vấn đề trên, đại biểu Trần Quang Minh nhất trí với những kết luận mà dự thảo nghị quyết đã nêu ra, đồng thời, mỗi năm đề nghị tập trung một hoặc một vài chủ đề lớn với các nội dung trọng tâm, trọng điểm cụ thể để Quốc hội thảo luận và xem xét. Bởi lẽ, khi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm sẽ hạn chế tư tưởng cào bằng, cả nể trong phân bổ vốn đầu tư thì mới phát huy được sự tổng thể của nguồn vốn. Ngoài chính sách pháp luật quy định thì việc tiết kiệm, chống lãng phí rất cần đến ý thức và lương tâm của người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu của tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương.

Gần đây, thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các đoạn đường cao tốc, dư luận đang rất quan tâm, chú ý và bình luận nhiều việc có nhà thầu trước đây khi thực hiện các gói thầu trên Quốc lộ 1A từ năm 2014 đã đi đầu cam kết bảo hành 5 năm và thực tế đến nay công trình rất có chất lượng, tiết kiệm đáng kể cho kinh phí duy tu, bảo dưỡng của Nhà nước, nay doanh nghiệp đó tiếp tục làm văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải cam kết bảo hành 10 năm đối với 3 gói thầu trên tuyến cao tốc mà tập đoàn đang thi công và những gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên tuyến cao tốc Bắc Nam và nhiều nội dung cam kết rất cụ thể như: Nhà nước không phải chi bất kỳ khoản tiền gì cho việc duy tu, sửa chữa trong thời gian 10 năm bảo hành, kể cả trong hoàn cảnh thời tiết bất lợi, quá lưu lượng.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần có tổng kết, đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, nghiêm túc. Đồng thời có chính sách ưu tiên đảm nhận các gói thầu với các gói thầu thi công có uy tín, năng lực đã được kiểm nghiệm qua thời gian thử thách, có kết quả cụ thể để tiết kiệm và tránh lãng phí về nhiều mặt./.

Bích Lan