ĐBQH TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH: ĐẢM BẢO TÍNH HỢP LÝ CỦA QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CÔNG VIỆC PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG

31/10/2022

Đưa ra ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị cần đảm bảo tính hợp lý của quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh- Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ tham gia phát biểu

Bày tỏ thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh sửa dự án Luật và đánh giá cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự thảo luật, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật được trình Kỳ họp thứ 4 này và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu về việc bổ sung nhiệm vụ của Ban Công tác Mặt trận vào các khoản điều quy định về trách nhiệm của các tổ chức trong công tác bảo vệ, hỗ trợ và tham gia xử lý bạo lực gia đình.

Với trách nhiệm từ góc độ là cán bộ Mặt trận cũng như qua tiếp xúc cử tri tại thành phố Cần Thơ, đại biểu tham gia một số ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như sau:

Quy định rõ các biện pháp buộc chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình

Đại biểu phân tích, bạo lực gia đình do rất nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản các nguyên nhân về kinh tế, do quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội chúng ta vẫn còn phổ biến và do một số tác động khác, do cuộc sống xã hội, cho nên tại Điều 6 về chính sách nhà nước đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần phải bổ sung thêm một số chính sách như tạo việc làm, thực hiện các biện pháp để đảm bảo bình đẳng giới, trước hết là trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp, xây dựng môi trường sống văn hóa, lành mạnh, an toàn. Đấy là những chính sách mà Nhà nước cần quan tâm.

Liên quan tới Điều 23 về buộc chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình, đại biểu chỉ ra rằng, tại điều luật này quy định 2 khoản rất cơ bản, trách nhiệm của những người tham gia xử lý các hành vi bạo lực gia đình để chấm dứt các hành vi.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ các biện pháp cấp thiết đối với người có thẩm quyền và trách nhiệm của người có mặt tại khoản 1 và khoản 2 để quy định các nội dung này. Cần phải quy định rõ hơn để tránh xảy ra các tình trạng áp dụng quá mức các biện pháp ngăn chặn, có thể xảy ra tình trạng người đang tham gia xử lý bạo lực gia đình rất có nguy cơ sẽ trở thành người vô ý vi phạm các quy định pháp luật. Do đó, đề nghị cần quy định rõ các biện pháp cần thiết và trách nhiệm của người có mặt là gì?

Đảm bảo tính hợp lý của quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng

Về quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tại Điều 33 quy định như sau: Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống, bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Danh mục công việc quy định tại khoản 1 Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định, tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Quan tâm đến quy định này, đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung mới được bổ sung so với dự thảo luật trình Chính phủ và còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự phù hợp với điều ước quốc tế. Đây là các biện pháp mới chưa được thí điểm và đánh giá hiệu quả tổ chức, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Tại báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu rõ điều luật này thiết kế theo hướng phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên tại khoản 5 của Điều 33 lại thiết kế theo hướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 32 của luật này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Quy định như vậy là chưa đảm bảo hợp lý, vì đây là hoạt động có tính chất tự nguyện và do cộng đồng đề xuất nhưng lại được thực hiện bởi một quyết định hành chính của chính quyền cấp xã.

Do đó, từ phân tích trên đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu kỹ và nếu trường hợp quyết định biện pháp này trong luật thì cần phải có những quy định để thể hiện đúng là sự tự nguyện và phục vụ lợi ích cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thực hiện.

Hồ Hương