ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CẦN NHANH CHÓNG KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TỐT HƠN

02/11/2022

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, dự án Luật cần đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng, giải quyết được các tồn tại, hạn chế trong thực tế; tạo động lực nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN VÀ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HỮU HIỆU, ĐẢM BẢO NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Đây là đạo luật hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. trong gần 12 năm thực thi, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, kiến tạo khung khổ pháp lý, tạo nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục thúc đẩy phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động của hội nhập quốc tế, nhiều nội dung của luật đã bộc lộ không ít bất cập.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong 7 dự án Luật được Quốc hội khóa XV thảo luận và đóng góp ý kiến. Đóng góp vào dự án Luật, đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.


Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Đối với Quốc hội: Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng, giải quyết được các tồn tại, hạn chế của thực tế, tạo động lực tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, qua đó, tăng cường hiệu quả cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chỉ đạo Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc Ủy ban Nhân dân cùng cấp xây dựng, ban hành, triển khai các chương trình, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương; Tiếp tục chỉ đạo, ban hành các chính sách, chương trình tổng thể, các đề án để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Đối với Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố theo chức năng của mình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: tăng cường triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chỉ đạo Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo chức năng của Bộ được giao thay mặt Chính phủ để quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ tích cực tham gia xây dựng, góp ý đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và các nghị định để hướng dẫn triển khai sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được ban hành; Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động nghiên cứu và tự mình hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với một số văn bản quy phạm pháp luật có tính chuyên ngành để bảo đảm sự phù hợp của các quy định pháp luật và tăng cường việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp hiệu lực, hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương, giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương theo cả chiều dọc và chiều ngang trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tăng cường hợp tác quốc tế, có các chính sách hỗ trợ về nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đối với Bộ Công Thương: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công đơn vị đầu mối trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật; Tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Tăng cường hỗ trợ nguồn lực để Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoạt động hiệu quả.

Đối với các địa phương: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy/Thành ủy đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Tăng cường quản lý của ủy ban nhân dân tỉnh đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương theo hướng phân công rõ đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên trong phạm vi địa phương quản lý; Chú trọng kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cấp huyện và cấp cơ sở xã, phường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về quyền lợi và kiến thực đối với người tiêu dùng; Tăng cường vai trò của hội đồng nhân dân tỉnh trong việc giám sát triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương; Hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương, nhất là hội ở tuyến cở sở, bảo đảm hội hoạt động có hiệu quả.

Đối với Tòa án Nhân dân tối cao: Tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh nước ngoài; Khẩn trương hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn tại tòa; Tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí toà án; Bố trí đưa nguồn tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bvqlntd do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tham gia, phối hợp với các cơ quan và tổ chức trong việc tuyên truyền để người dân, người tiêu dùng và toàn xã hội hiểu rõ và tham gia thực hiện chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính - trị xã hội, chính trị - nghề nghiệp như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh… tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ: Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và cung ứng để có được các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tốt, chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng; Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Đối với người tiêu dùng: Cần nâng cao nhận thức về các quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ và sẵn sàng khiếu nại khi các quyền tiêu dùng của mình bị xâm hại./.

Bích Lan