CƠ QUAN BÁO CHÍ CẦN ĐẨY MẠNH THÔNG TIN TRÊN CÁC NỀN TẢNG SỐ, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN THÔNG TIN XẤU, ĐỘC

04/11/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo ngại về thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng, cách ứng xử và những biểu hiện lệch lạch của giới trẻ trên không gian mạng. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự giáo dục của nhà trường, xã hội... một số đại biểu cho rằng cơ quan báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin chính xác, chuẩn mực đến người dùng mạng xã hội.

TỔNG THUẬT SÁNG 04/11: QUỐC HỘI TIẾN HÀNH CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THỨ 2 – LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Người dùng mạng xã hội cần có khả năng “tự đề kháng” trước thông thông tin xấu, độc.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa (do Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tới), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thười gian qua Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn gần 4.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Con số này cho thấy thông tin xấu, độc ngày càng phổ biến ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng mạng xã hội. Vấn đề này cũng làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thông tin mới, độc, lạ có tác dụng kích thích sự tò mò của người dùng mạng xã hội đang xuất hiện khá nhiều. Vì vậy cần có giải pháp thanh lọc những thông tin xấu độc, nhưng cách tốt nhất vẫn phải đến từ sức đề kháng của người sử dụng. Vì vậy, cần có những thông tin chính thống, nhanh nhạy để hướng người sử dụng đến thông tin tích cực.

Đại biểu khẳng định, những thông tin xấu độc, giật gân, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội nhưng không có người xem, ít người đọc, thậm chí thông tin đó bị phản đối dữ dội thì dần dần những thông tin đó không còn trên mạng xã hội.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao nhận thức từ phía những người đưa tin trên mạng xã hội để nhận rõ trách nhiệm của mình về thông tin cung cấp. Đặc biệt, coi trọng vai trò cơ quan quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp lý là Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, nghị định xử phạt các hành vi trên mạng xã hội.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, nhưng tin xấu độc vẫn xuất hiện trên mạng, đây là vấn đề đại biểu và cử tri cả nước mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải một cách thấu đáo hơn, thể hiện trách nhiệm của mình đưa ra các giải pháp hữu hiệu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của người dùng mạng, đặc biệt là thanh, thiếu niên – thế hệ tương lai của đất nước.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta đang bước vào cuộc sống số, ở đó có xã hội số, kinh tế số, văn hóa số và những công dân số. Vì vậy, chúng ta càng phải cẩn trọng hơn ngay từ những bước ban đầu, đó là xây dựng được môi trường văn hóa số lành mạnh, cũng giúp chúng ta xây dựng một môi trường văn hóa xã hội tốt đẹp hơn, từ đó có tác dụng tốt hơn trong việc phát triển đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, những thông tin trên mạng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người, cả những người đưa tin và cả những người tiếp nhận thông tin đó. Trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng và một số trường hợp khác cho thấy mỗi người dùng mạng xã hội cần có bản lĩnh để lựa chọn, lắng nghe, phân loại và sử dụng. Đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần xử lý nghiêm để làm gương để tạo ra môi trường trong sạch hơn và chuẩn bị cho tương lai chúng ta phải hội nhập nhiều hơn trên không gian mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hay phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề cập một số tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng đó là ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng, thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ. Cách ứng xử của những thần tượng trẻ tuổi đôi khi gây ra rất nhiều quan ngại, do vậy, những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề cập đến thực trạng những nguồn thu nhập khủng từ các nền tảng trực tuyến như trên Youtube, Tiktok, Facebook... tạo ra nhiều trao lưu các bạn trẻ làm việc trên các nền tảng xã hội như làm Youtuber, Tiktoker... Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa, tinh thần, để nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính, có nhiều bạn trẻ đăng những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để câu like, câu view.

"Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc rằng không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức mà chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền..." đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội, cũng có nhiều nội dung xấu, độc hại, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc hình thành, phát triển lối sống, nhân cách tốt đẹp của con người - đặc biệt là giới trẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức cá nhân. Điển hình như tài khoản Facebook của Nguyễn Phương Hằng ở TP Hồ Chí Minh, tài khoản của Đặng Như Quỳnh ở TP Hà Nội vừa qua đã được cơ quan chức năng mời làm việc, xử phạt. Hay các cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí, có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn đã thách đấu trên mạng xã hội dẫn đến ẩu đả ngoài đời thật, để lại nhiều hậu quả đau lòng.

Cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin trên các nền tảng số, góp phần ngăn chặn thông tin xấu, độc

Trả lời phỏng vấn bên lề hành lang Quốc hội, cũng như tranh luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, không nên nhìn nhận, đánh giá mạng xã hội dưới góc độ nguy hại mà là cơ hội và điều quan trọng là thái độ, cách ứng xử của chúng ta. Với người dân, khi tiếp cận mạng xã hội cần tạo ra khả năng thích ứng. Bởi một thông tin lên mạng xã hội, chỉ cần một tiếng sau đã lan truyền rộng rãi dù có gỡ xuống nhưng vẫn tiếp tục được lan truyền. Điều quan trọng nhất vẫn là khả năng đề kháng của công chúng.

Câu hỏi đặt ra là phải cung cấp thông tin cho công chúng, vai trò của báo chí cần được tăng cường trong đó phải khuyến khích báo chí đi thẳng vào vấn đề nóng, nói thẳng vấn đề nóng để vấn đề không còn nóng nữa và sẽ không để trống “trận địa thông tin”.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, không phải báo chí phản ánh vấn đề tiêu cực là báo chí tiêu cực, không phải báo chí biểu dương nghĩa là báo chí tích cực. Đại biểu ví von “thuốc bổ mà uống quá liều sẽ ngộ độc”, bởi công chúng không tin nữa, vì thế cần có dư địa để lực lượng rất mạnh là báo chí có thể phản ánh những câu chuyện, chia sẻ thêm thông tin để tạo thêm những luồng thông tin rất tích cực bằng chính mạng xã hội, trên fanpage của các cơ quan báo chí.

Đại biểu cho rằng, việc các cơ quan báo chí kiểm duyệt hoặc đóng các bình luận trên fanpage là điều bất khả thi. Như vậy, cơ quan báo chí không biết được công chúng nghĩ gì về thông tin; cơ quan báo chí không có cơ hội để trao đổi trở lại với thông tin và về mặt kỹ thuật, khi không có bình luận, những thông tin tích cực không nổi lên trên các trang mạng, hệ quả là công chúng không tiếp cận được nguồn thông tin chính xác, chính thống.

“Báo có có thế mạnh rất mạnh là có nguồn thông tin chuẩn chỉ, chuyên nghiệp và làm chủ công nghệ trên các nền tảng số. Vì vậy, cần tận dụng thế mạnh của việc trao đổi, tranh luận làm rõ thông tin, chứ không chỉ dừng ở việc đẩy thông tin, khi đó công chúng sẽ tìm đến cái kênh thông tin khác và người thiệt hại chính là công chúng không tiếp cận được thông tin tích cực, đầy đủ”, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng tình cần tăng cường thông tin trên các trang thông tin chính thống để người dân được tiếp cận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc Chính phủ triển khai Đề án tổ chức truyền thông chính sách đã có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật giai đoạn 2022-2027, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin giả, xấu độc và kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận Nhân dân, lan tỏa năng lượng tích, cực khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thuận cao trong xã hội. Để công tác truyền thông chính sách có hiệu quả, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng Chính phủ cần có quy định về việc lập, quản lý và hoạt động của các trang fanpage chính thống của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời đánh giá lại kết quả lấy ý kiến của Nhân dân trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua./.

Lan Hương