ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐÁNH GIÁ CAO CÁC BỘ TRƯỞNG ĐÃ THỪA NHẬN TRÁCH NHIỆM VÀ CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẠN CHẾ THUỘC LĨNH VỰC PHỤ TRÁCH
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV
Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Cùng với các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, đã có 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 Bộ trưởng gồm các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời giải trình làm rõ thêm các nội dung liên quan. Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn và 22 lượt đại biểu tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Trao đổi bên hành lang nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ qua 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy không khí ngày càng sôi động, có tính chất xây dựng cao. Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn để mong muốn truyền tải những thắc mắc, mong mỏi của cử tri cũng nhiều hơn.
Các câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, gần như không bị trùng lặp ý kiến; nội dung tranh luận cũng mang tính gợi mở, hiến kế cho Bộ trưởng, Trưởng ngành. Bên cạnh đó, Chủ tọa điều hành các phiên chất vấn đã thể hiện sự sắc sảo, linh hoạt, trách nhiệm, đồng thời theo sát diễn biến của các lĩnh vực cũng như phần trả lời của các vị tư lệnh ngành để có điều chỉnh phù hợp, giúp nội dung phiên chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đã thể hiện hết trách nhiệm của mình, trả lời thẳng câu hỏi của đại biểu, đưa ra những giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành ở mỗi lĩnh vực đều trả lời tích cực, cầu thị.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ ấn tượng với phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về công tác cán bộ. Theo đại biểu, đây là vấn đề gắn liền với quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, là động lực để đội ngũ này yên tâm làm việc và còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sự linh hoạt hay không linh hoạt của một tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Những nội dung Bộ trưởng trả lời đã nêu được những khuyết điểm cần phải hoàn thiện về cơ chế, chính sách; đồng thời cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ, các cấp và địa phương trong việc giải quyết những vấn đề về công tác cán bộ, tình trạng chuyển việc, nghỉ việc của cán bộ, công chức, người lao động.
Đại biểu kỳ vọng qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, những nội dung đại biểu Quốc hội chưa được chất vấn sẽ gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành một cách đầy đủ, kịp thời để có câu trả lời thỏa đáng. Với những nội dung được trả lời trực tiếp tại nghị trường, đại biểu mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm xây dựng kế hoạch, có những giải pháp kỹ lưỡng, thực tiễn, thấu đáo và thực hiện đúng, trúng để đáp ứng mong mỏi của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Cũng quan tâm đến lĩnh vực nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết đây là lĩnh vực được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đặc biệt là những vấn đề nóng, như việc sắp xếp cán bộ, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thiếu giáo viên trong giáo dục; giải pháp cải cách tiền lương…
Mặc dù là lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng có thể thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nắm rất chắc các vấn đề, trả lời rõ ràng, mạch lạc. Nhiều vấn đề Bộ trưởng đã đưa ra được các giải pháp, trong đó có việc xem xét, sửa đổi các Nghị định thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đại biểu đánh giá cao việc Bộ trưởng sẵn sàng nhận trách nhiệm trước một số vấn đề mà Bộ phụ trách nhưng chưa kịp thời triển khai hoặc triển khai chậm và đã có lời hứa trước Quốc hội.
Những vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra lần này đều là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với ngành nội vụ trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga mong muốn những giải pháp được Bộ trưởng đưa ra sẽ sớm triển khai thực hiện. Với các vấn đề cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành thì cần chủ động nghiên cứu phương án, ban hành các kế hoạch, thể hiện vai trò chủ đạo của Bộ Nội vụ nhằm chủ động xử lý các vấn đề lớn và khó.
Đại biểu tin tưởng, với sự chia sẻ của Quốc hội, sự đồng thuận của cử tri và sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng, các vấn đề về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương… sẽ có những sự chuyển biến tích cực hơn nữa.
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Mặt khác, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu rõ tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập đã được các vị đại biểu Quốc hội nêu ra tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Trong Báo cáo cũng có nêu tồn tại, hạn chế khi triển khai Nghị quyết của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc rà soát hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị thực hiện tự chủ. Đáng lưu ý, vướng mắc về con người và tài chính là hai vấn đề lớn khiến tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt kết quả cao.
Qua phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể thấy giải pháp Bộ trưởng đưa ra đã mang tính khả thi, tuy nhiên vẫn cần những giải pháp mang tính tổng thể hơn. Đơn cử, những bộ, ngành có các đơn vị sự nghiệp công lập lớn, muốn tự chủ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có sự vào cuộc thống nhất và đồng bộ của cơ quan điều hành chung như Bộ Nội vụ (quản lý tổng thể chính sách về con người) cùng Bộ Tài chính quản lý về kinh phí và những cơ quan chỉ đạo, điều hành đối với từng lĩnh vực...
Theo đại biểu, tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải có lộ trình vì liên quan đến con người, đất đai, tài sản của Nhà nước. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã thống nhất với nhau phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng mới có thể cải thiện được. Nhất là tự chủ trong các đơn vị y tế, nếu không rạch ròi về mặt tài chính, con người thì rất dễ “đắm thuyền”.
Đối với nội dung chất vấn về tinh giản biên chế, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết hiện nay đang giảm về số lượng nhưng câu chuyện đặt ra là giảm cào bằng và cơ học làm ảnh hưởng đến chất lượng, cần coi trọng chất lượng hơn số lượng. Giảm biên chế phải đánh giá kỹ theo từng lĩnh vực, đơn vị, vùng, miền. Nếu giảm theo cách cào bằng thì nơi yêu cầu cao hơn, sức ép lớn hơn khi thực hiện tinh giản biên chế lại làm triệt tiêu và ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước. Do đó cần có tiêu chí về mặt nhiệm vụ, chức năng, dân số, tính chất vùng, miền để tinh giản biên chế đi vào thực chất. Thậm chí có nơi cần giảm thì phải giảm; có nơi cần bổ sung thì phải bổ sung biên chế.
Bên cạnh đó, một chính sách mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã kết luận là nên khoán chỉ tiêu tinh giản biên chế cho các địa phương để địa phương chủ động bố trí sắp xếp tăng ở nơi cần tăng và giảm ở nơi cần giảm.
Đối với chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng thanh tra là thanh “bảo kiếm” giúp thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên cần lưu ý vấn đề phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng. Thanh tra phải làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình để Đảng và Nhà nước yên tâm có một lực lượng bảo vệ và thực hiện tốt nguyên tắc phòng, chống tham nhũng.
Nội dung chất vấn của các đại biểu về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra rất sắc sảo, tạo sức ép cho Tổng Thanh tra Chính phủ thể hiện chính kiến, quan điểm của mình trước quốc dân đồng bào, thể hiện quyết tâm của ngành thanh tra làm trong sạch hệ thống thực thi pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của ngành thanh tra.
Đại biểu hy vọng Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ sớm đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục câu chuyện trong cùng hệ thống chính trị các cơ quan phòng, chống tham nhũng lại có kết luận khác nhau./.