TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022
Ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau, bằng các thủ đoạn tinh vi
Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tệ nạn ma túy đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không, chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần…
Đặc biệt, theo thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thời gian qua trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng, pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử thảo mộc.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Cụ thể, loại thứ nhất là thực phẩm bánh kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Trong thời gian qua, các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán, sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh.
Loại thứ hai là ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống như vụ bán bánh cần sa trên mạng Internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện; vụ nhóm học sinh tại Hoành Bồ, Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma túy bị ngộ độc phải cấp cứu; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước vui, nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, bánh cần, bánh lười chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ...
Đặc biệt, các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội Zalo, Telegram liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua, bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức giao dịch chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship code, phần mềm…với mặt hàng chất ma túy mới hiện đang được giới trẻ ưa chuộng, sử dụng hình thức là thuốc lá điện tử và thảo mộc.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định, giờ đây ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau, bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua, bán. Về nội dung này, đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo, cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Cũng tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo của ngành chức năng công tác bảo vệ, phát triển rừng những năm gần đây đạt được những kết quả quan trọng. Tính riêng năm 2021 đã trồng được 277.830 hecta, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42% tăng 0,01%, tương ứng khoảng 3.300 hecta so với năm 2020. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng vẫn ở mức cao, với 2.653 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại 852 hecta. 10 tháng năm 2022 số vụ vi phạm là 3.550 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 963 hecta. Có địa phương trong 10 tháng của năm 2022 đã có hàng trăm vụ vi phạm.
Đi sâu phân tích tình trạng này, đại biểu nhận thấy nguyên nhân căn bản được các địa phương xác định chủ yếu là người dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, các hộ gia đình ở đây thiếu đất canh tác, thiếu việc làm. Do đó cuộc sống và nhu cầu sinh hoạt dựa vào khai thác tài nguyên rừng, đồng thời kinh phí chi trả cho người dân trong bảo vệ rừng vừa không kịp thời, vừa quá thấp, dẫn tới người dân cũng không mặn trong bảo vệ rừng.
Mặt khác, chính quyền cơ sở không đủ điều kiện để tổ chức lực lượng giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, lực lượng kiểm lâm thì mỏng, kinh phí, trang thiết bị còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng về nội dung này cần được Chính phủ đánh giá trong báo cáo để từ đó có giải pháp trong đấu tranh các vi phạm pháp luật, về lâu dài cần có biện pháp giải quyết đất canh tác cho các hộ gia đình, hộ thực sự khó khăn; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng. Đây cũng là những giải pháp căn bản để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật./.