ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: CẦN CÓ CƠ CHẾ CHIA SẺ LỢI ÍCH GIỮA NHÀ ĐẦU TƯ VỚI NGƯỜI DÂN

14/11/2022

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều vấn đề chính sách lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và các tầng lớp Nhân dân, vì vậy góp ý vào dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai; bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu thực tế thủ tục hành chính về đất đai được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.  Đại biểu cho biết, trong một cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn, một giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giãi bày một vấn đề rất thực tế, đó là khi giải quyết hồ sơ của các doanh nghiệp, mỗi cán bộ thụ lý của Sở thường phải rà soát các quy định của luật với trên 25 Nghị định và Thông tư hướng dẫn kèm theo, vì vậy việc giải quyết đề nghị của doanh nghiệp thường mất rất nhiều thời gian.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính về đất đai còn có sự kết nối với nhiều thủ tục hành chính khác, đặc biệt là trong việc giải quyết những vấn đề về đầu tư và các vấn đề liên quan đến tài sản gắn liền với đất. Trong khi đó, như báo cáo của Ban soạn thảo, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế, vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đáp ứng được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Luật Đất đai năm 2013 cũng như dự thảo hiện hành có quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, về các thủ tục hành chính khác có liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với quy định hiện tại nhiều tỉnh, thành phố còn gặp lúng túng trong vấn đề này, hơn nữa quy định như vậy còn dẫn đến việc áp dụng thủ tục thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp không chỉ hoạt động giới hạn ở 1 tỉnh, 1 thành phố.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai, đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng là cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.

Bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng góp ý về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư với cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, trong việc thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có những trường hợp đưa lại những lợi ích to lớn trong cộng đồng dân cư xung quanh như các dự án về hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp...

Tuy nhiên, cũng có những dự án ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân, đặc biệt là các dự án có tác động lớn đến môi trường như khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, xây dựng nghĩa trang, các khu xử lý rác... Tác động dễ thấy nhất là giá đất trong khu vực sẽ sụt giảm, tạo ra những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, nhiều dự án theo hình thức này đã bị người dân xung quanh phản ứng, ngăn chặn việc triển khai thi công.

Thực tế cũng cho thấy việc đền bù và hỗ trợ hiện nay chủ yếu được thực hiện trọn gói một lần bằng tiền mà không hướng đến việc tạo ra nguồn sinh kế mới cho người dân. Khi dự án đi vào hoạt động, đất đai và sinh kế của nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực như đất úng ngập hoặc không thể tiếp tục cuộc sống ở vùng đất còn lại. Điều này gây ra những xáo trộn và bức xúc trong cộng đồng dân cư, thậm chí có nghịch cảnh là người dân ở xung quanh một số nhà máy thủy điện lại không có điện sinh hoạt.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị trong lần sửa đổi này cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân, nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài trong cộng đồng dân cư.

Đại biểu nhấn mạnh, lợi ích không chỉ là việc hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại, mà còn bao gồm rất nhiều công cụ khác như việc chia sẻ lâu dài nguồn thu được từ các dự án, áp dụng giá điện ưu đãi hoặc xây dựng các quỹ phát triển cộng đồng, hoặc bằng các biện pháp khác, nhằm cải thiện thu nhập, môi trường sống của người dân, như thực hiện các dự án về y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi công ăn việc làm. Cơ chế này đã được thực hiện có hiệu quả ở rất nhiều nước như là Hàn Quốc, Na Uy, Brazil, Thái Lan..

Qua tiếp xúc cử tri, nhất là ở vùng miền Tây Nghệ An, nhiều cử tri cũng cho rằng cơ chế chia sẻ lợi ích như vậy sẽ tạo ra sự gắn kết hài hòa giữa các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương, đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng nhấn mạnh dự án Luật Đất đai là dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của dự án luật, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan có liên quan trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu cần xác định những vấn đề chính sách lớn của dự án luật để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề như chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển dịch đất đai, tài chính đất đai. Trên cơ sở đó có những hình thức thảo luận chuyên đề, tập trung làm rõ từng nội dung, từng chế định của dự án luật để có cơ sở báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung trình Quốc hội tại các kỳ họp tới./.

Lan Hương

Các bài viết khác