ĐBQH TRẦN THỊ THU PHƯỚC: LÀM RÕ CƠ SỞ LÝ LUẬN XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA

21/11/2022

Dự kiến trong tháng 12 tới đây, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ khai mạc. Đại tá Trần Thị Thu Phước – Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum kỳ vọng làm rõ cơ sở lý luận trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa hiện nay, nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp trong cộng đồng.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TẬP TRUNG TUYÊN TRUYỀN RÕ NÉT MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, THÔNG ĐIỆP HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum

Phóng viên: Thưa đại biểu, văn hóa có ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển và tồn tại của mỗi quốc gia, dân tộc?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Tôi nhận thấy, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã hình thành một nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc. Dòng chảy văn hóa đã lan tỏa, thấm sâu vào đời sống tinh thần của cả dân tộc, tạo thành cốt cách của mỗi con người Việt Nam, giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ và tiết kiệm trong lao động sản xuất.

Tôi cho rằng, Văn hóa là còn nền tảng tinh thần vô cùng quan trọng, thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Chính truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng độc lập, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là cơ sở, là động lực mạnh mẽ để toàn thể dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm, kiên cường bảo vệ, gìn giữ và dựng xây đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay.

Văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, văn hóa khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, huy động sức mạnh nội sinh to lớn trong con người đóng góp vào sự phát triển xã hội; văn hóa cũng chính là hạnh phúc mà mỗi người và xã hội đều muốn hướng đến. Văn hóa có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với 3 lĩnh vực còn lại là kinh tế, chính trị, xã hội. Sự phát triển hài hoà, đồng bộ của các lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội sẽ tạo thế vững chắc, duy trì trật tự, sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa ở nước ta hiện nay?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân; gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phát triển văn hóa để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Lĩnh vực văn hóa đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng văn hóa nước ta thời gian qua vẫn còn những vấn đề bất cập, hạn chế. Cụ thể, đã xuất hiện nhiều hiện tượng xuống cấp về văn hóa, đạo đức như: giết người thân trong gia đình gây bất bình trong dư luận; nạn bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời; giáo viên, học sinh có hành vi không chuẩn mực trong môi trường giáo dục; một bộ phận giới trẻ thiếu mục tiêu, lý tưởng sống, lười lao động,...

Ngoài ra, vấn đề duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong các dân tộc thiểu số còn nhiều vấn đề bất cập; nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; giữa bảo tồn và phát triển văn hóa.

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới. Vậy đại biểu có kỳ vọng gì ở Hội thảo sắp tới?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là dịp để chúng ta đánh giá lại những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, bất cập, hạn chế trong phát triển văn hóa trong thời gian qua. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể định hướng hoạt động trong thời gian tới, trong đó, chú trọng 3 hướng cơ bản: xây dựng và hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách phù hợp và đảm bảo nguồn lực cho phát triển văn hóa nước ta.

Đặc biệt, Hội thảo Văn hóa năm 2022 được tổ chức trong một điều kiện rất thuận lợi, cụ thể tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vừa qua đã được tổ chức rất thành công, mang lại nhiều kết quả rất quan trọng. Đây là Hội nghị được tổ chức sau 75 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946). Hội nghị đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề trong thực tiễn văn hóa nước ta hiện nay, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ cần thực hiện tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đây là cơ sở quan trọng để Hội thảo Văn hóa năm 2022 của Quốc hội nghiên cứu, quán triệt và đề xuất các quan điểm, chính sách phù hợp nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, vai trò của Quốc hội là vô cùng quan trọng. Quốc hội không chỉ là cơ quan lập pháp, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, mà còn tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Tôi kỳ vọng, Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ làm rõ hơn cơ sở lý luận trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; nghiên cứu đề ra các giải pháp để ngăn chặn, giải quyết kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hóa xã hội ngay từ khi mới nảy sinh, không để lan rộng, ảnh hưởng toàn xã hội. Hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp trong cộng đồng.

Đồng thời, nghiên cứu thể chế hóa, ban hành chính sách về xây dựng các hoạt động và thiết chế văn hoá ở cơ sở; phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống như gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố... Đặc biệt, ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; khai thác tốt các giá trị đó để biến thành nguồn lực cho phát triển.

Từ đó, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt