ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH VĂN HÓA Ở ĐỊA PHƯƠNG

22/11/2022

Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới. Đề cập về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương quan tâm và đề xuất một số cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa ở địa phương...

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẬN DỤNG LỢI THẾ, PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhóm giải pháp và 107 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế”.


Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan sẽ tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa ở địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương đề xuất bố trí kinh phí đầy đủ cho văn hóa địa phương vì hiện nay nhiều nơi vẫn chưa bố trí đủ định mức chi cho văn hóa trong tổng ngân sách. Ngoài ra, cần có cơ chế đãi ngộ tốt hơn đối với cán bộ văn hóa cơ sở và cán bộ trực tiếp tham gia sáng tác, trình diễn và thực hành văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Đại biểu có thể cho biết sự quan tâm của mình về Hội thảo này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ được tổ chức tại Bắc Ninh vào tháng 12 tới, tôi đặc biệt dành sự quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa ở địa phương.

Có thể nói, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật trong cả nước, từ cấp Trung ương tới địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Đề án “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực Văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”… Nhờ vậy, nguồn nhân lực ngành văn hóa ở các địa phương đã ít nhiều có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những vấn đề hiện vẫn đang tồn tại với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực khá rộng và liên quan tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Ngành Văn hóa nghệ thuật của các địa phương phải phụ trách, quản lý khá nhiều mảng, có nhiều hoạt động nhưng số lượng cán bộ văn hóa hiện này còn mỏng. Ở cấp Sở (tỉnh, thành phố), đội ngũ cán bộ văn hóa được biên chế ở các phòng chuyên môn như phòng Nghiệp vụ văn hóa, phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, phòng Quản lý di sản với mức định biên cán bộ khoảng từ 5-7 người/phòng. Ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biên từ 5-7 người, làm việc ở phòng Văn hóa Thông tin.

Theo thống kê, trên cả nước hiện có 75 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm 69 Trung tâm Văn hóa, 4 Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và 2 Trung tâm Thông tin - Triển lãm; cấp quận, huyện có 613/709 huyện có Trung tâm văn hóa hoặc Nhà văn hóa cấp huyện; 5.966/11.198 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Cả nước có 61 Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 628 đội cấp huyện. Tất cả các xã, phường, thị trấn trên cả nước đều bố trí ít nhất 1 cán bộ công chức chuyên trách Văn hóa - Xã hội.

Số lượng cán bộ văn hóa hiện nay vẫn đang thiếu, đặc biệt là trong những ngành nghệ thuật. Ví dụ như giáo viên trong các trường văn hóa – nghệ thuật, diễn viên trong các đoàn nghệ thuật biểu diễn của tỉnh, đặc biệt là ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo… Nguyên nhân là do công tác đào tạo chuyên ngành nghệ thuật ở các trường đại học rất khó khăn, khó tuyển sinh đạt đủ chỉ tiêu. Học sinh ngày nay không còn nhiều em mặn mà với các ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống.

Các đoàn nghệ thuật phần lớn phải chuyển sang tự chủ nên gặp khó khăn về kinh phí. Các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay không còn hấp dẫn một bộ phận lớn khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ nên các đoàn không có nguồn thu nhiều và ổn định. Thu nhập của nhân viên không cao, thậm chí còn không ổn định trong khi chi phí cho nghề nghiệp như trang phục, đồ trang điểm… khá tốn kém. Vì vậy, nhiều diễn viên, ca sĩ có tài, được đông đảo khán giả yêu mến không gắn bó với các đoàn nghệ thuật địa phương mà chuyển tới những nơi cho họ thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị nghệ thuật công lập với các đơn vị nghệ thuật tư nhân cũng khiến các đơn vị nghệ thuật công lập gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động. Điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở các địa phương còn thiếu thốn như thiếu rạp hát, nhà hát để biểu diễn nên việc thu hút khán giả càng trở nên khó khăn. Tất cả những yếu tố này góp phần khiến cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở các địa phương thiếu hụt, khó khăn trong việc tuyển thêm người, nhất là nhân lực có trình độ và tài năng.

Phóng viên: Vậy chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa ở các địa phương hiện nay được đánh giá như thế nào, thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Về chất lượng chung của đội ngũ nhân lực ngành văn hóa tại các địa phương hiện nay vẫn còn yếu. Khối lượng công việc của một cán bộ văn hóa xã rất nhiều, lên tới 17 lĩnh vực phụ trách, từ quản lý di tích, nếp sống văn minh, phong trào văn hóa…. Tuy nhiên, việc xem xét, bố trí còn chưa thực sự phù hợp. Có nhiều nơi lãnh đạo không thực sự quan tâm tới việc đào tạo nhân lực về văn hóa mà bố trí người trái chuyên môn làm văn hóa, ví dụ có huyện cử Giám đốc Trung tâm y tế sang làm Giám đốc Trung tâm văn hóa. Có nơi thì muốn bố trí người đúng chuyên môn nhưng lại không có ai phù hợp. Có những nơi lại bố trí các cán bộ diện dôi dư, không sắp xếp được vị trí do không đủ thời gian tiếp tục tái cử ở nơi khác về phụ trách văn hóa. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu về văn hóa như hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa vẫn còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ, tin học, chưa năng động, linh hoạt trong quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa...


 Cần chú trọng đến phát triển văn hóa ở các địa phương (ảnh minh họa: Internet).

Với những cán bộ văn hóa như vậy thì công tác văn hóa của các địa phương khó lòng phát triển được. Việc trao đổi, hợp tác văn hóa giữa các vùng miền, với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn còn thiếu, tính hiệu quả chưa cao. Vì chất lượng còn yếu nên công tác tham mưu trong các lĩnh vực văn hóa còn hạn chế, gặp rất nhiều sai sót. Ví dụ như việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa không đúng quy định, sai phép, không phép, tạo ra các hiện tượng “mới hóa” di tích, hiện tượng xâm hại di tích diễn ra ngày càng nhiều…

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, đại biểu có thể cho biết ý kiến đóng góp, đề xuất để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản về đào tạo nguồn nhân lực, bố trí kinh phí địa phương cho  văn hóa, đẩy mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa. Theo đó, tôi đề xuất 5 giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm văn hóa nói riêng. Đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm… của toàn thể người dân, tạo ra động lực của sự phát triển cho xã hội. Sự phát triển của ngành văn hóa có liên quan và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cũng như giữ cho xã hội ổn định, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của người dân phong phú, vui vẻ, hạnh phúc. Chính vì vậy, cần loại bỏ tâm lý, tư tưởng văn hóa là ngành “vô thưởng vô phạt”, ai làm cũng được mà cần bố trí cán bộ phụ trách văn hóa có đúng chuyên môn, có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt. Cần có các chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành văn hóa, tránh tình trạng “chảy máu chất xám" ngành văn hóa từ khối công sang tư nhân.

Thứ hai, trong đào tạo nguồn nhân lực, cần xây dựng và đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành văn hóa ở các cơ sở đào tạo. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút các em học sinh thi tuyển vào các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa tại các địa phương, nhất là tại cơ sở.

Thứ ba, cần bố trí kinh phí đầy đủ cho văn hóa địa phương vì hiện nay nhiều nơi vẫn chưa bố trí đủ định mức chi cho văn hóa trong tổng ngân sách.

Thứ tư, cần có cơ chế đãi ngộ tốt hơn đối với cán bộ văn hóa cơ sở và cán bộ trực tiếp tham gia sáng tác, trình diễn và thực hành văn hóa nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống để họ có động lực sáng tạo, biểu diễn và lưu giữ, truyền dạy cho những thế hệ tiếp theo.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống để giới trẻ cảm nhận, tiếp thu được cái hay, cái đẹp của các nét văn hóa truyền thống, các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Như vậy, các bộ môn này mới có đông đảo khán giả, từ đó các đoàn nghệ thuật sẽ được nuôi dưỡng sức sống, có thu nhập, kinh phí, là động lực trực tiếp để thu hút, nuôi dưỡng nhân tài.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan