ĐBQH PHẠM THỊ MINH HUỆ: QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

30/11/2022

Tham gia ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đề nghị cần Quy định thống nhất về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong Luật Giá (sửa đổi) cũng như Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi) để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Tham gia ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cơ bản thống nhất với những nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Để dự thảo luật được hoàn chỉnh hơn, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ tham gia đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho biết, Điều 1 phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật quy định "luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, hoạt động thẩm định giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá”.

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tham gia ý kiến

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cụm từ “người tiêu dùng", vì hiện nay Quốc hội đang xem xét, thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tại khoản 1 điều 3 dự thảo luật quy định "người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại". Như vậy, việc người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đều có liên quan đến giá theo cách hiểu này thì cụm từ tổ chức, cá nhân đã bao gồm người tiêu dùng. Do đó, để tránh trùng lắp, đại biểu đề xuất không đưa cụm từ người tiêu dùng vào Điều 1 của dự thảo luật.

Đối với trường hợp phạm vi điều chỉnh dự thảo giữ lại cụm từ "người tiêu dùng", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cụm từ "tổ chức, cá nhân" vì nhận thấy chưa thống nhất với Điều 2, Điều 8 và Điều 9 của dự thảo luật sử dụng cụm từ "tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ". Để dự thảo luật rõ hơn, đại biểu đề xuất điều chỉnh cụm từ "tổ chức, cá nhân" thành "tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ" trong trường hợp này.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề xuất phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 dự thảo được điều chỉnh theo một trong hai hướng cụ thể như sau: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá, hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, hoạt động thẩm định giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; hoặc điều chỉnh thành "luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, hoạt động thẩm định giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Quy định thống nhất về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Điều 10 và Điều 11 của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có quy định về nội dung này. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 15 và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 16. Như vậy, cùng một vấn đề là quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng nhưng lại được điều chỉnh trong 2 văn bản luật khác nhau và nội dung các quyền và nghĩa vụ này cũng không giống nhau. Để đảm bảo tính thống nhất khi hai luật này được thông qua, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể về mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong 2 dự thảo luật này để tránh mâu thuẫn, chồng chéo và để bảo đảm phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Điều 16 dự thảo luật quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật. Theo dự thảo trên được hiểu thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến trong trường hợp này với tư cách là nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh, không phải với tư cách, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này, bởi các lý do sau: Một là, đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định Hội đồng nhân dân tỉnh có ý kiến về quyết định giá hàng hóa. Hai là, dịch vụ hay theo dự thảo luật quy định thì chưa rõ trong trường hợp nào Ủy ban nhân dân tỉnh phải xin ý kiến việc quyết định giá hàng hóa dịch vụ. Ba là, nếu thẩm quyền quyết định giá hàng hóa dịch vụ là của Ủy ban nhân dân tỉnh thì chúng ta có cần thiết quy định Ủy ban nhân dân tỉnh phải lấy ý kiến như dự thảo quy định hay không. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét sự cần thiết quy định như Điều 16 dự thảo luật. Trường hợp cần thiết quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh phải xin ý kiến thì đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung trường hợp nào Ủy ban nhân dân tỉnh phải xin ý kiến hay mọi trường hợp phải xin ý kiến về quyết định giá hàng hóa, dịch vụ để dễ dàng áp dụng trên thực tiễn, như báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính của các đại biểu Quốc hội tại tổ chỉ có dịch vụ cơ sở giáo dục phải xin ý kiến.

Hồ Hương