ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: KỲ VỌNG NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ TRONG CẢI CÁCH THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ VĂN HÓA

10/12/2022

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu quan điểm: Những cải cách thể chế, chính sách về văn hóa phải nhận được sự đồng thuận một cách mạnh mẽ của toàn xã hội là nội dung cần được quan tâm và hy vọng sẽ có những giải pháp đột phá tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC MẠNH NỘI SINH, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH VĂN HÓA Ở ĐỊA PHƯƠNG

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhóm giải pháp và 107 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế”.


Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra vào tháng 12/2022.

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan sẽ tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Đưa ra quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, những cải cách thể chế, chính sách về văn hóa phải nhận được sự đồng thuận một cách mạnh mẽ của toàn xã hội nên hy vọng sẽ có những giải pháp đột phá tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong số những giải pháp và nhiệm vụ đề ra tại Hội thảo Văn hóa toàn quốc năm 2021 và tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại biểu quan tâm nhất là vấn nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Tôi nhận thấy, những nội dung, nhiệm vụ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo đều có sự thống nhất, đồng hành kịp thời, bài bản từ chủ trương thực hiện cho đến xây dựng các chương trình hành động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để tạo môi trường cho con người thực hiện những giá trị văn hóa đó. Vấn đề khiến tôi quan tâm nhất là phải xây dựng con người Việt Nam mang cốt cách Việt Nam từ phong cách, lối sống, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, môi trường quốc tế một cách hài hòa.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến việc phải có một cơ chế chính sách, thể chế thực sự là rõ ràng, thiết thực, hiệu quả gắn với đời sống thực tế để có sự điều chỉnh đối với những hành vi chưa chuẩn văn hóa và kịp thời có sự điều chỉnh đối với những tác động của nhiều luồng về văn hóa, cuộc sống mới vào những chuẩn mực văn hóa.

Những cải cách trong quản lý về thể chế để thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên về văn hóa nhằm tạo nên các giá trị văn hóa  phải được lưu trữ bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là những cải cách thể chế, chính sách về văn hóa phải nhận được sự đồng thuận một cách mạnh mẽ của toàn xã hội cũng là những nội dung cần được quan tâm và tôi hy vọng sẽ có những giải pháp đột phá tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Phóng viên: Theo đại biểu, trong thời gian qua, hoạt động văn hóa của xã hội đang tồn tại những hạn chế, bất cập gì và đề xuất của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Tôi cho rằng, câu chuyện quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền ở cấp bậc khác nhau về các hoạt động văn hóa còn có những hạn chế. Các hoạt động nghệ thuật, phục vụ cho sáng tác trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, biểu diễn, hội họa, kiến trúc vẫn còn có sự buông lỏng nên cần tiếp tục tăng cường quản lý trong thời gian tới.

Theo đó, công tác quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền các hoạt động văn hóa ở trong các đơn vị sự nghiệp công lập hay các tổ chức, đơn vị tư nhân phải có sự đồng bộ và thống nhất theo các quy trình dưới sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ngoài ra, việc quản lý phải thấm nhuần vào tư tưởng của cơ quan quản lý cho đến người thực hiện văn hóa thì lúc đó mới có được những hành vi văn hóa chuẩn mực, tạo ra những sản phẩm văn hóa chuẩn mực.

Phóng viên: Để phát huy những thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, đại biểu có đề xuất, kỳ vọng gì khi Hội thảo Văn hóa năm 2022 sắp diễn ra?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Hiện nay, cuộc sống mới có nhiều tác động nhiều chiều của các thế giới đa cực và văn hóa cũng xuất hiện tương ứng như vậy. Vì thế, chúng ta cũng phải kịp thời bổ sung những cải cách thể chế tương thích để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Hội thảo Văn hóa 2022 sắp diễn ra, tôi kỳ vọng các cơ quan chức năng, các đại biểu, chuyên gia sẽ nhìn lại một cách nghiêm túc các thể chế, chính sách về hóa đã thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tôi cũng  kỳ vọng các cơ quan sẽ có sự rà soát kỹ lưỡng những thể chế hiện hành từ luật cho đến văn bản dưới luật, các Thông tư, nghị định hướng dẫn, kể cả các hương ước, quy ước, nội quy của từng cơ quan, đơn vị. Việc rà soát này là bước để xem xét lại những nội dung nào không còn phù hợp nữa thì phải có sự điều chỉnh, bổ túc kịp thời nhằm góp phần thực hiện được các mục tiêu, giải pháp đã được đưa ra đối việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác