CÔNG TÁC DUY TRÌ, QUẢN LÝ VIỆC CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÒN THIẾU CHẶT CHẼ

06/01/2023

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận định công tác duy trì, quản lý việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch và phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ.

KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận định, Chính phủ đã linh hoạt khi thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Biện pháp này được, áp dụng mạnh mẽ trong bối cảnh mới xuất hiện dịch, chưa có nhiều thông tin khoa học liên quan tới virus SARS-CoV-2, chưa có vắc xin phòng dịch cũng như thuốc điều trị đặc hiệu và trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam. Khi dịch dần được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, từ việc phải áp dụng trên diện rộng, các biện pháp hạn chế này đã được thực hiện theo phân loại cấp độ dịch, góp phần giúp sớm đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Điều này cho thấy sự đúng đắn, kịp thời trong các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa thống nhất; công tác duy trì, quản lý việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch và phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn chưa tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về công tác tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc huy động, chuyển đổi công năng và thành lập kịp thời nhiều loại hình, mô hình cơ sở y tế để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19, giúp người dân tiếp cận kịp thời, nhanh chóng các dịch vụ y tế. Việc huy động sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân và công lập đã góp phần khám và điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID-19; tổ chức hiệu quả việc phân tầng điều trị. Hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa được ứng dụng mạnh mẽ, giúp người dân bị COVID-19 hoặc có nhu cầu chăm sóc sức khỏe được các bác sỹ, nhân viên y tế tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, nhất là trong bối cảnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15, song báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá cụ thể việc thực hiện nội dung này theo 02 Nghị quyết nêu trên. Công tác tổ chức xét nghiệm COVID-19 còn những hạn chế nhất định. Việc quản lý người mắc COVID-19, điều trị tại nhà còn bất cập. Một số cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động còn thiếu nhân lực, vật tư, thuốc, phương tiện để phục vụ người bệnh và phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách; Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ kết quả cụ thể sự tham gia của nhóm lực lượng này.

Đối với việc điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, một lực lượng quân và dân rất lớn đã được huy động để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị với sự chung tay, chung sức, đồng lòng của toàn dân, toàn quân nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lây lan với tốc độ nhanh, phức tạp đồng thời với việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn của người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Sự tham gia rất tích cực, kiên trì, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của lực lượng tuyến đầu chống dịch, nòng cốt là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đã góp phần rất lớn tạo nên thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của đất nước.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, quy định và triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ đối với lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa được thực hiện kịp thời. Nội dung thực hiện chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trong báo cáo lần này tuy đã được bổ sung nhiều số liệu, thông tin hơn so với các báo cáo trước, đã có số liệu thực hiện năm 2021 và nêu lên những khó khăn, bất cập, song vẫn còn chưa đầy đủ, thiếu số liệu thực hiện năm 2022 và số liệu thực hiện tại các địa phương. Trên thực tế, có địa phương vẫn chưa thanh toán kinh phí cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch.

Đối với công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Chính phủ đã nỗ lực trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, trong mua sắm, ‟ngoại giao vắc xin” để người dân tiếp cận được vắc xin nhanh, sớm, miễn phí, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, kết quả của ‟ngoại giao vắc xin” đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, tinh thần quyết liệt từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, các địa phương. Với sự tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Việt Nam là quốc gia được đánh giá đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thời gian đầu, triển khai tiêm chủng vắc xin ở một số địa phương còn những khó khăn, lúng túng nhất định, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có nơi còn chưa đạt theo yêu cầu tiến độ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm phòng dịch còn nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ loại vắc xin phòng COVID-19 nào sản xuất trong nước dù là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus và được đánh giá có tiềm năng trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Minh Hùng

Các bài viết khác