ĐBQH MA THỊ THÚY: CẦN COI LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VÀO QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT LÀ BƯỚC BẮT BUỘC

08/04/2023

Phát biểu góp ý Điều 66 về quy định lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ban soạn thảo cần quy định việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một bước bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì đây là nội dung rất là quan trọng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 07/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

 Hội nghị ĐBQH chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 07/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cho ý kiến vào Điều 17 dự thảo Luật quy định chung về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, quy định này là hoàn toàn đúng đắn và đã có nhiều quy định chặt chẽ rõ ràng hơn. Tuy nhiên chưa có sự phân biệt về vùng miền, nơi cư trú, miền núi với đồng bằng khu vực đặc biệt khó khăn với các khu vực có trình độ phát triển cao hơn của người dân tộc thiểu số.

Do vậy, có thể dẫn đến việc không bình đẳng trong việc thực thi chính sách. Mặt khác, thực tế trên địa bàn các tỉnh vùng núi, nhiều nơi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, còn người dân tộc kinh chiếm số lượng rất ít, chủ yếu là ở miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới từ trước những năm 1975. Những người này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cũng giống như đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không được hưởng hoặc được hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước ít hơn người dân tộc thiểu số bản địa… Vì vậy, nếu chỉ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số có thể gây bất bình đẳng cho những nhóm người khác sinh sống trên cùng địa bàn, cùng có mức độ khó khăn như nhau. Đồng chí đề nghị Luật lần này cần nghiên cứu, xác định cụ thể đối tượng hỗ trợ đảm bảo chặt chẽ, khả thi và đều được bình đẳng.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu góp ý dự thảo Luật.

Về quy định lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 66, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần quy định việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một bước bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì đây là nội dung rất là quan trọng. Đồng thời phải xác định rõ đối tượng “Nhân dân được lấy ý kiến” chứ không nên quy định chung chung các đối tượng được lấy ý kiến như dự thảo luật. Theo đó, nhân dân được lấy ý kiến là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, khi người dân góp ý cần quy định tỷ lệ % ý kiến góp ý nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì phải điều chỉnh, thay đổi toàn bộ hoặc một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân được biết lý do.

Đối với quy định về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 71, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, nếu quy định chỉ công khai “tại trụ sở cơ quan” thì chỉ mang tính hình thức, người dân khó có thể tiếp cận, nghiên cứu thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định cách thức “công bố công khai” bằng văn bản hay bằng hình thức nào; quy định việc công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào sẽ đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai cấp đó; nội dung công khai là toàn bộ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một số hình thức công khai như: Phát trên hệ thống loa phát thanh của huyện, của xã và thông qua hội nghị ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Tại Điều 93 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, đại biểu đề nghị bổ sung quy định để cụ thể hơn về việc xử lý và biện pháp khắc phục hậu quả khi xảy ra sai phạm trong trường hợp người sử dụng đất vi phạm do cố tình khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư hoặc cơ quan thực hiện bồi thường, tái định cư do để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị ban soạn thảo nên xem xét quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất là để trực thuộc UBND cấp huyện, chứ không nên quy định để Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp tỉnh như dự thảo luật. Ngoài ra, đại biểu đề xuất nên quy định là về bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ là 2 năm một lần.

Về Điều 177, đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, tại điểm a khoản 3 quy định "giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số", đại biểu cho rằng, hiện nay ở các địa phương việc lập phương án giao đất cho cho các hộ gia đình, cá nhân đối với diện tích do các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do diện tích đất các nông, lâm trường trả lại địa phương đã có người sử dụng đất từ trước đây. Trường hợp lập phương án giao đất cho các cá nhân khác như ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số thì phải xử lý tài sản trên đất, như hiện nay trên đất còn đất rừng sản xuất, rồi cây chè, cây ăn quả, tài sản trên đất hình thành từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đến khi bàn giao thì thời gian hợp đồng vẫn còn, có liên quan đến quyền lợi của người đang sử dụng đất./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác