ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN KHẢI: CẦN QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC THEO LƯU VỰC SÔNG

10/05/2023

Ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam hiện tác động nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Nguyên nhân được chỉ ra là do hoạt động xả thái trái phép của nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề. Dù các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp và làng nghề để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn.

Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban cho rằng, hiện trách nhiệm quản lý tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ ngành, cơ quan ngang bộ quy định tại Điều 76, Chương VIII thuộc về 5 bộ là Bộ Công Thương có trách nhiệm là quản lý nước ở các hồ thủy điện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là nước thủy lợi; Bộ Xây dựng là nước đô thị; Bộ Tài nguyên và Môi trường là nước ngầm và quản lý nhà nước về nước nói chung; Bộ Giao thông Vận tải là giao thông thủy. Việc cùng lúc có 5 Bộ tham gia về quản lý đã dẫn đến việc chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến vùng nước. Những tồn tại, hạn chế này cũng được ghi nhận trong Tờ trình của Chính phủ khi trình phương án sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Đại biểu Trần Văn Khải tại Hội nghị

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cách tổ chức hiện hành, giao cho 5 Bộ cùng quản lý nguồn nước thì rất khó để quản lý tài nguyên này, đồng thời nhấn mạnh, cần phải quản lý tổng hợp và quản lý thống nhất, đặc biệt cách thức tiếp cận của nó phải theo lưu vực để tăng hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Nam, địa phương đang phải chịu cảnh ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, khi nồng độ vượt rất nhiều lần giới hạn cho phép so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Trong các buổi TXCT, đại biểu Trần Văn Khải và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã nhiều lần nghe các cử tri kiến nghị tới Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về thực trạng trên,  mong Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm này.

Nước đổi màu do ô nhiễm khu vực lưu vực Sông Nhuệ - sông Đáy ở Hà Nam

Chính vì thế, quan điểm của đại biểu Trần Văn Khải là Nước phải quản lý theo lưu vực, tránh việc quản lý thuộc về nhiều Bộ sẽ không đảm bảo tính thống nhất, có thể gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, vấn đề phân cấp hiện nay trong quản lý nhà nước theo nguyên tắc là một Bộ chuyên ngành quản lý chung, đưa ra các khung khổ về luật pháp, đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch những dòng sông liên tỉnh, liên quốc gia. Đại biểu phân tích thêm, việc phân định cụ thể chức năng quản lý nhà nước của mỗi Bộ, ngành trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ tránh chồng chéo dẫn tới giảm hiệu quản lý nhà nước giữa các Bộ.

Cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, cách thiết kế của dự thảo Luật là phân ra giữa quản lý chung tài nguyên nước (quản lý nguồn nước) với quản lý của các cơ quan khác (quản lý ở dưới dạng các công trình cụ thể và khai thác sử dụng nước) như ở Điều 76, Chương III - Trách nhiệm Quản lý Tài nguyên nước đã tách bạch ra 2 chức năng này. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định rõ trách nghiệm quản lý nhà nước và khắc phục triệt để sự chồng chéo với nhau.

Bích Hạnh - Minh Thành