PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CỤ THỂ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

26/05/2023

Trong điều kiện Đảng ta đặt ra yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa từ chức có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội sắp tới thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) sẽ là một bước tiến mới để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, đảm bảo trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đặt lợi ích nhân dân và đất nước lên hàng đầu.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHÁT TRIỂN VĂN HÓA PHẢI GẮN VỚI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỊA PHƯƠNG

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: VĂN HÓA - THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về “từ chức” và “văn hóa từ chức” ở nước ta?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chưa bao giờ chúng ta lại thấy từ chức lại trở thành một câu chuyện được bàn tán sôi nổi và rộng rãi đến vậy. Trong nhà, ngoài ngõ, đâu đau cũng nghe thấy chuyện người này, người kia “nên từ chức”, “phải từ chức”, “sao lại từ chức?”... những câu chuyện như vậy là tín hiệu tích cực của một giai đoạn chúng ta ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của cán bộ công chức, rộng hơn là trách nhiệm đạo đức đối với công việc. Khi mọi người cùng bàn về một vấn đề, chứng tỏ thứ nhất là điều đó quan trọng; thứ hai là điều đó thể hiện những chuyển biến trong nhận thức và hành động về vấn đề đó.

Ở đây, chúng ta thường quen với một lối suy nghĩ rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước Á Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo khác, trong đầu mỗi người có một ông quan. Ý chí phấn đấu làm quan hay có thành tích trong chính trị được xem là một trong những thành tích quan trọng nhất của nhiều người. Vì thế, thay vì thước đo thành đạt là ở bất kỳ một lĩnh vực gì cũng được, như có thể là một thương nhân thành đạt, một cầu thủ bóng đá giỏi, một nghệ sĩ tài năng, một nhà khoa học có nhiều cống hiến, một công nhân có tay nghề cao... thì ở ta, việc có được một địa vị chính trị vẫn được xem như một ưu tiên, thậm chí là mơ ước, biểu tượng của sự thành đạt hơn so với các nghề nghiệp khác. Hơn thế, như một lẽ thường, sự nghiệp chính trị thì thường có lên chứ ít ai xuống chức (hoặc ít ra cũng là chuyển ngang). Suy nghĩ và thói quen ấy giờ đây đã đến lúc phải thay đổi.

Phóng viên: Theo ông, quy định về lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào trong sự “thay đổi” này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch phải được bắt đầu bằng những quy trình, quy định minh bạch, cụ thể. Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc xây dựng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc. Để làm được điều đó, một trong ba khâu đột phá được nhắc lại nhiều lần là chất lượng nguồn lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Dù có nhiều thành công trong công tác cán bộ, những rõ ràng, trong một số trường hợp cụ thể, người dân vẫn băn khoăn rất nhiều về những trường hợp dường như có dấu hiệu của bổ nhiệm sai, ngồi nhầm chỗ. Quy trình bổ nhiệm 5 bước dù có chặt chẽ đến mấy vẫn không thể lường trước những phức tạp của cuộc sống, mà ngay đến cả chatGPT dù có tiến bộ đến mấy cũng không thể tính toán hết được.

Trong thời gian vùa qua, chúng ta cảm thấy vô cùng đau sót khi mất mát quá nhiều cán bộ qua cơn bão càn quét của Việt Á, AIC, chuyến bay giải cứu,... Có nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, bị kim tiền chi phối, nhưng cũng có cán bộ phải đứng ra chịu trách nhiệm chính trị, muốn thể hiện tiết tháo về đạo đức của mình đối với nhân dân, với đất nước. Khi việc tạo môi trường để cán bộ không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng chưa có được sự đồng bộ do điều kiện và hoàn cảnh của đất nước thì rõ ràng đạo đức của người cán bộ phải trở thành hệ điều tiết, định hướng giá trị cho mỗi người. Pháp luật thì ở xa nhiều khi không thấy rõ, trong khi đó, đạo đức luôn ở gần, có thể ngay lập tức điều tiết hành vi cho mỗi cá nhâm, vì thế, trách nhiệm đạo đức đối với công việc và trước nhân dân của người lãnh đạo là rất cần thiết để tạo ra uy tín, và từ đó là hiệu quả công việc của chính họ.

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, quy định về lấy phiếu tín nhiệm, làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, cho việc từ chức có vai trò quan trọng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Khi dư luận xã hội còn chưa thôi thắc mắc về những lý do của việc từ chức, cũng như quán tính truyền thống luôn xem việc từ chức như một điều gì đó không đúng, chưa phải, dẫn đến việc từ chức trở thành gánh nặng của tất cả các bên liên quan, thì việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cũng như làm cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ, công chức, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân.

Ở một cách hiểu phổ thông nhất, văn hóa từ chức là một truyền thống, giá trị hoặc tiêu chuẩn của một tổ chức hoặc xã hội, mà người có trách nhiệm chính trị hay công việc có thể xin thôi việc nếu họ tin rằng họ đã không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách đầy đủ hoặc hiệu quả. Việc từ chức được coi là một hành động có trách nhiệm, chỉ làm khi người đó không còn có khả năng hoặc không đủ năng lực để tiếp tục trong vị trí của mình và có thể gây tổn thất cho tổ chức hoặc xã hội. Văn hóa từ chức được coi là một phần quan trọng của nền văn hóa chính trị của một quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ các giá trị của tổ chức hoặc xã hội. Như vậy, giờ đây, thay vì một hành động mang tính cá nhân, chịu sự đánh giá khắt khe và khác nhau từ xã hội và thậm chí là mỗi thành viên trong gia đình, khiến cho việc từ chức trở nên khó khăn, chúng ta cần hình thành nên một văn hóa từ chức để hành động này trở thành một hành động, phẩm chất của cán bộ trong nền hành chính công hiện đại.

Phóng viên: Việc Quốc hội sắp tới thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) thể hiện thông điệp gì thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Việc Quốc hội sắp tới thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) chắc chắn sẽ là một bước tiến mới để chúng ta cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, giúp đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong công việc của các đại biểu Quốc hội, tăng cường sự độc lập và tính chuyên nghiệp của các cơ quan Nhà nước, đồng thời  thể hiện quan điểm đặt lợi ích của người dân và đất nước được đặt lên hàng đầu.

Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội trong vai trò làm gương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên cơ sở xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương