ĐBQH ĐOÀN THỊ LÊ AN: BỔ SUNG TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG VỚI CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP GÂY RA SỰ CỐ, THẢM HỌA

29/05/2023

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với các tổ chức, doanh nghiệp gây ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động như là trách nhiệm bồi thường, khắc phục sự cố về xử lý chất thải trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Bổ sung trách nhiệm bồi thường với các tổ chức, doanh nghiệp gây ra sự cố, thảm họa

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý tại kỳ họp thứ 4 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Để hoàn thiện dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua, đại biểu tham gia một số vấn đề cụ thể như sau.

Về giải thích từ ngữ, tại khoản 4 Điều 2 quy định "đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi lên 36 tháng tuổi để mở rộng thêm đối tượng dễ bị tổn thương và sửa thành "hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi", vì ở độ tuổi này trẻ em vẫn cần nhiều sự chăm sóc và người nuôi dưỡng con ở giai đoạn này cũng chịu tác động bất lợi hơn từ các sự cố, thảm họa so với các nhóm đối tượng khác.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng 

Về biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 3, tại Điều 25, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ "Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định áp dụng các biện pháp sau đây", vì không mang tính quy định và chỉ dùng trong hướng dẫn thực hiện.

Về huy động vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ tại Điều 31. Tại điểm c khoản 2 Điều 31 quy định tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung biện pháp quản lý, sử dụng nguồn thu do tổ chức, cá nhân vận động được để phòng ngừa tiêu cực.

Về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức Điều 38, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với các tổ chức, doanh nghiệp gây ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động như là trách nhiệm bồi thường, khắc phục sự cố về xử lý chất thải trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Xây dựng Quỹ phòng thủ dân sự để có thể huy động khẩn cấp nguồn lực

Về Quỹ phòng thủ dân sự Điều 41, đại biểu đề nghị chọn phương án 1 như dự thảo đề xuất, vì hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân như hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có thảm họa, sự cố xảy ra là rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thảm họa, sự cố. Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa, nếu xảy ra thì không có nguồn tài chính để thực hiện việc ứng phó, khắc phục hậu quả như vậy chưa đảm bảo thực hiện nguyên tắc phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa thiên tai, dịch bệnh.

Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra như công tác huy động nguồn lực từ người dân, kiều bào, hoạt động phòng, chống dịch COVID tại Việt Nam những năm 2020, 2021 vừa qua và công tác hỗ trợ khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ của Chính phủ Việt Nam đầu năm 2023.

Tại điểm a khoản 1 Điều 41 quy định cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa. Đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể về nhu cầu cấp thiết khác là nhu cầu gì để tránh lợi dụng chính sách trong quá trình thực hiện cứu trợ, như là hỗ trợ chăn, màn, quần áo, v.v..

Minh Thành