ĐBQH NGUYỄN TÂM HÙNG: CẦN CỤ THỂ HÓA NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU, PHỐI HỢP ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THẢM HỌA

31/05/2023

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành trong việc tham mưu, chỉ đạo chủ trì, phối hợp ứng phó các sự cố, thảm họa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Tuyên truyền về phòng thủ dân sự với công dân Việt Nam tại nước ngoài

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH Bà Rịa- Vũng Tàu cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Phòng thủ dân sự và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu cho biết, về thông tin sự cố thảm họa tại khoản 3 Điều 6 dự thảo luật quy định sử dụng chung một số điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Chính phủ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi thành "sử dụng chung từ 2 đến 3 thuê bao hoặc một tổng đài để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Chính phủ". Vì địa bàn rộng sử dụng chung một số điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc chưa bảo đảm tiếp nhận thông tin khi có sự cố trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH Bà Rịa- Vũng Tàu

Về tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự, tại khoản 1 Điều 16 dự thảo luật quy định "công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự". Đại biểu cho rằng để nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự của công dân Việt Nam không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm cụm từ "Việt Nam đang sinh sống trong nước và nước ngoài" vào điều luật và sửa thành là "công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước và nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự", sẽ đầy đủ và rõ nghĩa hơn.

Về công trình phòng thủ dân sự, qua nghiên cứu Điều 13 dự thảo luật và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong nhiều năm qua, đại biểu nhận thấy thực trạng tại nhiều địa phương rất khó khăn trong việc làm thủ tục về đất để xây dựng công trình phòng thủ, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng sang đất quốc phòng, đặc biệt là các công trình phòng thủ đảo, ven biển. Mặt khác, thực tiễn cũng phát sinh tình trạng thủ tục bàn giao các điểm đất quốc phòng khi trả về cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, có điểm đất hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện xong thủ tục bàn giao về cho địa phương, gây lãng phí.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một nội dung sau khoản 4 và chuyển khoản 5 hiện tại thành khoản 6, cụ thể là "Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên khi tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình phòng thủ, một số vị trí, địa điểm Chính phủ cần cho phép xây dựng công trình phòng thủ, khi hoàn thành được lấp lại giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội" để không chuyển mục đích sử dụng đất sang đất quốc phòng.

Cụ thể hóa nhiệm vụ các cơ quan tham mưu, phối hợp

Về quyền và nghĩa vụ cá nhân, đai biểu cho biết, trong thực tiễn khi có tình huống thiên tai xảy ra, việc tuyên truyền, động viên người dân thực hiện sơ tán, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện chưa nghiêm túc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung tại điểm đ khoản 2 Điều 37 cụm từ "khẩn trương, nghiêm túc" vào trước cụm từ "sự hướng dẫn", cụ thể là "chấp hành khẩn trương, nghiêm túc sự hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm".

Toàn cảnh phiên họp

Về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 1, vì việc thành lập quỹ dân sự là rất cần thiết, quỹ phải được thành lập trước khi xảy ra sự cố, thảm họa. Tuy nhiên, phòng thủ dân sự là hoạt động trong phạm vi rộng, cần phải tính toán, xem xét cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phòng thủ dân sự.

Chương VI trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, từ Điều 43 đến Điều 54. Qua nghiên cứu dự thảo luật và kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định có 12 loại hình thảm họa cần tập trung đối phó. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành trong việc tham mưu, chỉ đạo chủ trì, phối hợp ứng phó các sự cố, thảm họa.

Minh Thành

Các bài viết khác