ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG VÀ TRÌNH BAN HÀNH BỘ CHỈ TIÊU THỐNG KÊ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN

31/05/2023

Đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, ĐBQH Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương xây dựng và trình ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững kinh tế biển, làm cơ sở đo lường, đánh giá quá trình phát triển.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN NÂNG CAO NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM BẢO VỀ QUYỀN LỢI KHI MUA SẮM HÀNG HÓA

Trong hai ngày 31/5 và 01/6, Quốc hội họp phiên toàn thể ở Hội trường để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội nhấn mạnh: Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương xây dựng và trình ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững kinh tế biển, làm cơ sở đo lường, đánh giá quá trình phát triển.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023?

ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Kinh tế, Tài chính- Ngân sách, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan khác của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Ngoài ra, tôi có thêm một số ý kiến để nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn những nội dung liên quan. Theo Báo cáo của Chính phủ, có 02/15 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP (chỉ đạt 24,76% thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5- 25,8%)). Cả hai chỉ tiêu này đều phản ảnh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.

Số liệu tăng trưởng GDP quý 1/2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm kinh tế như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam..., trong đó hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực chính của tăng trưởng chung của nền kinh tế tăng trưởng âm.

Trong khi đó, theo Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021, có 03 khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương có tỷ lệ thấp so với dự toán, cụ thể lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề 59,2%, lĩnh vực khoa học, công nghệ 71%, lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 75%. Điều này làm chúng ta rất suy nghĩ về tính bền vững của quá trình phát triển. 

Phóng viên: Với những kết quả đạt được như trên, đại biểu có ý kiến, để xuất nào để giúp cho nước ta vượt qua được khó khăn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới?

ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đã đến lúc chúng ta cần suy xét kỹ lưỡng và có những phương thuốc điều trị hiệu nghiệm căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Cả hai chi tiêu trên đều liên quan đến 02/3 khâu đột phá chiến lược là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực, bên cạnh vấn đề thể chế. Tôi cho rằng, với những biến động gần đây của tình hình thế giới, khu vực, chúng ta cần kịp thời nghiên cứu để có những điều chỉnh mang tính chiến lược các chính sách liên quan đến sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển nhân lực trong các ngành, nghề. Bên cạnh đó, cần coi trọng đúng mức vấn đề an ninh kinh tế, trong đó có vấn đề tự chủ về công nghệ, nhất là trong các ngành kinh tế mới nổi. Tôi lấy ví dụ như phát triển năng lượng tái tạo (hiện nay gần như 100% chúng ta đều phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài).

Quốc hội họp phiên toàn thể ở Hội trường để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững kinh tế biển. Trong Báo cáo của Chính phủ không đề cập đến vấn đề này. Phát triển bền vững kinh tế biển là chủ trương lớn của Đảng theo Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã, đang và sẽ có đóng góp rất lớn và trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Với vị trí, vai trò, tiềm năng và lợi thế của Biển Việt Nam, thực hiện các chủ trương, chính sách với phương trâm “tiến ra biển, dựa vào biển và làm chủ biển” và xuất phát từ thực tiễn phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, vùng biển trong thời gian qua, chúng ta không thể phát triển mà không tận dụng lợi thế của Biển. Tôi đề nghị Chính phủ cần báo cáo định kỳ với Quốc hội về nội dung này để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng và trình ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững kinh tế biển, làm cơ sở đo lường, đánh giá quá trình phát triển. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án lớn được nêu trong Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của Chính phủ, trong đó trọng tâm gồm: Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”; Vận hành và phát huy cơ chế điều phối liên ngành về phát triển bền vững kinh tế biển...

Phóng viên: Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến nhiều những tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc phát triển năng lượng, quy hoạch. Đại biểu có quan điểm như thế nào về những nội dung này?

ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tôi cơ bản tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế về những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng cần được quan tâm khắc phục và tháo gỡ sớm, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đã được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được cụ thể hoá trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng chậm được ban hành. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề này về những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5.

Thứ hai, về vấn đề xăng dầu, nhiên liệu, tôi cho rằng Báo cáo của Chính phủ cần chú trọng những vấn đề về: (i) yếu tố rủi ro nguồn cung nhiên liệu, xây dựng cơ chế điều hành linh hoạt. (ii) Khẩn trương hoàn thiện và ban hành Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khi đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý những điều kiện lợi thế về cảng biển, giao thông thủy, giao thông bộ, tính kết nối, liên thông giữa các ngành. Cần nghiên cứu, xây dựng kho dự trữ nhiên liệu quốc gia, nhất là dự trữ than. (iii) Nghiên cứu tổ chức mô hình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong điều kiện phát triển thị trường cung cấp nguồn điện. (iv) Cải cách mạnh mẽ chính sách giá điện; tách biệt chính sách trợ cấp xã hội ra khỏi chính sách giá; sử dụng công cụ giá để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng hiệu quả sử dụng năng lượng. Chính sách giá điện chủ yếu theo khung giờ, giảm phụ tải và khuyến khích sử dụng điện trong thời gian thấp điểm, không ưu đãi theo đối tượng sử dụng (không còn ai bù lỗ cho ai, khi đã tách trợ cấp xã hội ra khỏi giá điện).

Thứ ba, về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh kể từ sau khi có Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV tới nay, trong đó tập trung bố trí vốn để triển khai hoàn thành việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo quy mô 2 làn xe, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.

Về công tác quy hoạch: Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Hiện nay, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch năng lượng), các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương... chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm, từ  2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021 – 2025. Bên cạnh đó, một vấn đề rất lớn ở đây, tôi nhận thấy là thách thức triển khai các quy hoạch sau khi được phê duyệt, trong đó có nguồn lực để triển khai.

Nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt để khai thông các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế thì việc triển khai thực hiện là rất khó khăn. Chưa kể đến các thủ tục hành chính, dưới quy hoạch cần có kế hoạch thực hiện, phương án thực hiện. Ví dụ như Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng cần có Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia và Phương án phát triển điện lực tỉnh (được lồng ghép trong Quy hoạch tỉnh), trong khi đó chưa có quy định về trình tự, thủ tục lập Kế hoạch và Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt thì việc triển khai thế nào. Theo tôi, những vấn đề trên cần có các biện pháp tập trung tháo gỡ ngay, không sẽ rất khó khăn và các văn bản chính sách chúng ta ban hành ra rất hay với mục tiêu, kỳ vọng rất lớn, nhưng rất lâu mới đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác