QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 5, trong hai ngày 31/5 và 01/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Qua nghiên cứu, đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo và nhận thấy năm 2022 và những tháng đầu năm năm 2023 dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cả hệ thống chính trị và nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên định, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, Chính phủ đã dự báo sớm, chọn thời điểm hợp lý để mở cửa nền kinh tế, tận dụng các cơ hội thu hút tối đa các dòng vốn, nhà đầu tư lớn để đất nước chúng ta có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong tình hình và bối cảnh như vậy, những kết quả đạt được theo đại biểu Dương Khắc Mai là rất đáng trân trọng, không thể quốc gia nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế, đó là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chính sách về Nghị quyết 43 cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, đời sống một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao đã và đang là sự quan tâm lớn của xã hội, là mối bận tâm, phân tâm của nhiều người và nỗi phiền muộn của không ít gia đình. Đặc biệt, trong báo cáo có đề cập một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và sợ sai.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại như đã nêu trên trong báo cáo và quan tâm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về cơ chế, về thể chế, đồng thời có liệu pháp đủ mạnh để chấn chỉnh lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai mà không để lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Về thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, theo Báo cáo của Chính phủ thì việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nước ta do quy mô quỹ an sinh xã hội còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, vì hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi chưa hoàn thiện. Để góp phần giải quyết vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai xin kiến nghị như sau:
Một là, Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống.
Hai là, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi, nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và mỗi người dân. Xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải xây dựng, thực hiện song song với hệ thống pháp luật về kinh tế.
Người cao tuổi là người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho gia đình, xã hội và góp phần vào xây dựng đất nước. Việc có một chính sách hợp lý nhằm chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn thể hiện sự bù đắp hết sức cần thiết, là đạo lý cao đẹp, nhân nghĩa của dân tộc ta nên cần phải dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này cả trong trước mắt và dài hạn. Chúng ta rồi ai cũng sẽ già và sẽ vinh dự tiến đến bục vinh quang ấy, đó là người cao tuổi.
Cần quan tâm điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tại tỉnh Đắk Nông
Liên quan đến một số vấn đề của tỉnh Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của cử tri, đặc biệt là cân đối bố trí nguồn vốn cũng như chỉ đạo triển khai tuyến đường bộ cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành - Bình Phước. Việc đầu tư cho dự án là góp phần thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 16 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ khóa XV. Để đảm bảo tiến độ, đại biểu Dương Khắc Mai mong Quốc hội đồng ý với phương án đề xuất của Chính phủ. Theo đó, giao cho Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Thứ hai, về quy hoạch đất lâm nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Đắk Nông được phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp là 292.981 hecta, như vậy, tổng diện tích chỉ tiêu đất lâm nghiệp được giao đến năm 2030 gần tương đương với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hiện nay.
Trong thời gian tới, Đắk Nông cần nhiều diện tích không gian để phát triển kinh tế - xã hội nên cần thiết phải quy hoạch lại để đảm bảo hài hòa mục tiêu giữa phát triển rừng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, phần lớn diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển lâm nghiệp hiện nay đã bị người dân lấn chiếm, sản xuất ổn định, lâu dài, khó có thể thu hồi để phát triển đất lâm nghiệp. Đây là vấn đề rất khó khả thi. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần quan tâm điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là 247.565 ha để có thêm dư địa phát triển, hoàn thành các mục tiêu kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Thứ ba, về lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hiện nay, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với thực tế phân vùng khoáng sản bô xít hiện nay chiếm diện tích là 6/8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông, ước sản lượng khai thác như hiện nay khoảng 400 năm mới có thể khai thác hết. Với lý do đó, tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch để tỉnh có không gian phát triển mà vẫn có khoáng sản dự trữ cho tương lai, cho con cháu của chúng ta./.