TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, thời gian vừa qua, các địa phương trong cả nước đã tích cực chủ động điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân đến nay còn thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả mục tiêu của chương trình như Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn tại Quyết định số 652 ngày 28/5/2022 và Quyết định số 653 về dự toán ngân sách trung ương năm 2022. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn sự nghiệp mới được giao trong năm 2022 và 2023 mà chưa được giao cả giai đoạn.
Đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Do vậy, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các danh mục sử dụng vốn sự nghiệp, nhất là các dự án có thời gian thực hiện trong nhiều năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính quyết định giao dự toán bổ sung có mục tiêu vốn sự nghiệp cho địa phương, phân bổ cho từng dự án, từng lĩnh vực chi, khi triển khai có nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều lĩnh vực thừa kinh phí, nhiều lĩnh vực còn có khả năng chi nhưng lại thiếu về kinh phí. Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ và hệ thống các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành, nhiều nội dung còn chưa rõ ràng nên khó khăn cho địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu cũng chỉ rõ, tại khoản 3 Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước về thời hạn điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách có quy định hoàn thành trước ngày 15/11 năm hiện hành. Tuy nhiên, thực tế để giải ngân vốn kế hoạch, việc xác định được cụ thể khối lượng chính thức hoàn thành trong năm, điều chỉnh quy hoạch vốn, dự toán kinh phí giữa các dự án, các hoạt động cho phù hợp thì phải đến hết thời điểm tháng 12. Vì vậy, đề nghị Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nghiên cứu bổ sung thêm nội dung quy định riêng đối với thời hạn điều chỉnh dự toán thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp địa phương hoàn thành trước ngày 31/12 năm hiện hành.
Đồng bộ giải pháp để phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Cùng với đó, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung như sau:
Thứ nhất, giao vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021-2025 giống như đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.
Thứ hai, giao vốn sự nghiệp hàng năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để các địa phương được chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đồng thời, nguồn vốn sự nghiệp không có khả năng thực hiện giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2026-2030, đề nghị thực hiện theo hướng không hỗ trợ vốn trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân mà có cơ chế sử dụng, ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi.
Thứ ba, hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như vốn đầu tư công khác, tiến độ thực hiện chậm, trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ dự án, cần nghiên cứu quy định tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng đối với tất cả các dự án, không chỉ là các dự án trọng điểm của quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ quản chủ động xây dựng khung đánh giá kết quả, hiệu quả của chương trình để các địa phương căn cứ vào đấy để đánh giá, từ đó kịp thời chỉ đạo nhằm phát huy được hiệu quả mục tiêu của chương trình.
Đại biểu cho biết, thực hiện Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã khu vực vùng 2, vùng 3 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã khu vực 1 và thôi hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, dẫn đến đời sống của Nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, học sinh trên địa bàn các xã này gặp rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cá nhân đại biểu và nhiều đại biểu khác đã có ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các xã thuộc các huyện, tỉnh có yếu tố đặc thù về biên giới, vùng đặc biệt khó khăn hoặc các xã thuộc các huyện nghèo ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861 hoặc cho phép các xã này tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách đã ban hành để đảm bảo trong công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở tại các địa phương.