ĐBQH HÀ ÁNH PHƯỢNG: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ ĐỐI VỚI TRẺ EM ĐỘ TUỔI MẦM NON TẠI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

07/06/2023

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn để cha mẹ yên tâm công tác, tham gia sản xuất, ổn định đời sống.

 

Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay đối với trẻ mẫu giáo 3 đến 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Nghị định số 10 năm 2020 của Chính phủ và được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí, không được hỗ trợ ăn trưa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn để cha mẹ yên tâm công tác, tham gia sản xuất, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, qua 4 tháng đầu năm 2023, đại biểu nhận thấy, tăng trưởng kinh tế của đất nước có dấu hiệu chậm lại, bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 đã đề ra. Đồng tình với đánh giá về các tồn tại, hạn chế như Báo cáo của Chính phủ, song đại biểu cho rằng còn một nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng tới việc tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2023. Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn thực hiện chưa tốt.

Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, đến cuối tháng 3/2023 số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng trên 40.000 tỷ đồng, tương đương với 0,82% tổng nguồn lực và ước tính đến năm 2023, đến hết năm cũng chỉ thực hiện được 2.570 tỷ đồng, tương đương với 6,4% nguồn lực, đồng nghĩa với việc cung cấp tín dụng khoảng 1,8 triệu tỷ đồng của chương trình sẽ không triển khai được. Điều này tác động rất lớn đến phát triển sản xuất, kinh doanh. Nêu thực tiễn tại tỉnh Phú Thọ, đại biểu chỉ rõ, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng như phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, không bảo đảm điều kiện vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên không có đề xuất hỗ trợ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Các đại biểu tham dự

Sớm rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Ngoài ra, đại biểu Hà Ánh Phượng nêu rõ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phản ánh việc thực hiện Quy chuẩn 06/2022 theo Thông tư 06 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cho rằng, việc bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân là trên hết nên việc điều chỉnh các quy chuẩn an toàn cháy cho phù hợp hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nhiều công trình, cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh. 

Trước ý kiến của nhiều địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 220 ngày 5/4/2023 để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chậm, nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt thực hiện công điện nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, sớm rà soát, sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, có thời gian nhất định cho các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về phòng cháy trong phạm vi cho phép để khắc phục các điều kiện về an toàn cháy nổ, xây dựng các nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội. Đồng thời, thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó để đảm bảo sự chuyển tiếp ổn định, thống nhất./.

Minh Thành