GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KHÔNG NÊN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH

08/06/2023

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đóng góp ý kiến đối với dự luật, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, mà nên tích hợp nội dung này vào quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm chi phí, công sức bỏ ra và tránh chồng chéo giữa các quy hoạch.

XÂY DỰNG LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG TIẾP CẬN NHÀ LƯU TRÚ ĐỂ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quan tâm tới quy định về xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh tại điểm a khoản 1 Điều 31, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật đang quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Đại biểu chỉ ra rằng, trong thời gian qua, khi các tỉnh triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến việc xây dựng chương trình phát triển nhà đều phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến này sẽ gây mất thời gian. Theo đại biểu, hiện nay đang thực hiện chủ trương phân cấp và đang rất khẩn trương thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch đất đai. Do đó, để tạo điều kiện chủ động cho địa phương thực hiện việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị nên cân nhắc phân cấp cho tỉnh, trên cơ sở quy hoạch tỉnh sẽ xây dựng chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở trên địa bàn tỉnh cũng như phù hợp với quy hoạch đất đai. Qua đó, quá trình triển khai thực hiện sẽ đỡ mất thời gian về thủ tục và tránh lãng phí.

Đối với quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 30 về điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Hoàng Đức Chính – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh rất rộng, bao gồm rất nhiều nội dung. Trong khi đó, khi điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng phải điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Nếu quy định như trong dự thảo Luật sẽ rất rộng, rất khó khả thi và phức tạp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung “Có điều chỉnh nội dung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp tỉnh liên quan đến kế hoạch nhà ở đã được phê duyệt”.

Quan tâm tới chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay đang xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, nếu phát triển thêm chương trình xây dựng nhà ở cấp tỉnh là thêm một quy hoạch nhưng cũng lại nằm trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch nông thôn. Do đó, đại biểu bày tỏ quan điểm không nên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, mà nên tích hợp nội dung này vào quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm chi phí, công sức bỏ ra, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch.

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Dẫn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thái Bình nhận thấy, đối tượng như trong quy định trên đã mở rộng hơn so với luật hiện hành. Theo đó, Luật Nhà ở năm 2014 chỉ quy định xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với những đô thị trực thuộc Trung ương.

Đại biểu đặt vấn đề, nếu phải xin ý kiến và mở rộng đối tượng thì vấn đề là xin lấy ý kiến góp ý hay xin ý kiến? Đây cũng là nội dung cần phải làm rõ, bởi nếu quy định trong luật là “lấy ý kiến góp ý”, nếu Bộ Xây dựng đồng ý sẽ trình Hội đồng nhân dân; nhưng Bộ Xây dựng không đồng ý thì ai chịu trách nhiệm? Bởi thẩm quyền quyết định là Hội đồng nhân dân nhưng lại phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. Hai ý kiến này không thống nhất thì nên chọn ý kiến nào? Đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo Luật vẫn chưa rõ trách nhiệm, do đó đề nghị cần hết sức quan tâm đối với chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu rõ, trong lúc thực hiện cải cách hành chính, càng giảm được các thủ tục bao nhiêu thì càng đỡ lãng phí về vật chất bấy nhiêu. Vì vậy, hiện nay Nhà nước đang đẩy mạnh việc quy hoạch cấp tỉnh, kể cả quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Do đó, nếu tích hợp chiến lược, kế hoạch phát triển nhà ở vào quy hoạch tỉnh sẽ rất thuận lợi. Khi đó, ngoài việc tránh lãng phí thì sẽ rất thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Còn theo đại biểu Phạm Đình Toản – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, mục tiêu hiện nay là giải quyết nhu cầu về nhà ở đối với các đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự quản lý và tạo điều kiện của Nhà nước thì phải phát huy được tối đa cơ chế thị trường để điều chỉnh tự động. Do đó, về kế hoạch phát triển nhà ở các tỉnh, thành phố, đại biểu cho rằng nên tích hợp quy hoạch trong đô thị và quy hoạch này nằm trong kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá, chương trình phát triển nhà ở không giúp ích được cho việc phát triển, xây dựng nhà mà thủ tục lại quá nhiêu khê, rườm rà.

Qua thực tiễn công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng dân tỉnh, đại biểu chỉ ra rằng, nhiều khi đã thông qua nghị quyết ban hành về chương trình phát triển xây dựng nhà ở nhưng tổ chức thực hiện lại liên quan đến nhiều vấn đề như vốn, đất,…. Do đó, đại biểu cho rằng không cần phải xây dựng chương trình phát triển nhà ở mà chỉ cần thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở theo quy hoạch về nhà ở, xây dựng và quy hoạch về đất đai. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, giải trình thêm về lợi ích, tác dụng, hiệu quả của việc giữa chương trình xây dựng phát triển nhà ở./.

Minh Thành