ĐBQH TẠ THỊ YÊN: CẦN CÓ CƠ CHẾ RIÊNG ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

08/06/2023

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

 

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên​

Chú trọng công tác đánh giá, phân tích, dự báo khi có biến động

Tham gia đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, Việt Nam với hơn 100 triệu dân, có nền kinh tế mở, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 đạt 730,2 tỷ đô, gấp 1,8 lần GDP, bởi thế, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Từ đó, đại biểu cho rằng cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất nhập khẩu. 

Lấy ví dụ dẫn chứng quan điểm trên, đại biểu chỉ rõ, trong sự giảm sút của các ngành công nghiệp gia công, chế biến thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ,… ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động, tỷ giá, lãi suất, chi phí môi trường làm cho sản phẩm làm ra đắt hơn nên các nhà đầu tư phải di chuyển sản xuất sang quốc gia khác. Tương tự như Việt Nam từng nhận chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến hơn. Hay như các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường sản xuất xanh, giảm khí thải carbon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, kiểm dịch cũng là những trở ngại, đôi khi bất chợt khiến các doanh nghiệp lúng túng. Đạibiểu cho rằng, cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của đất nước trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới còn lại, làm nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn tình hình.

Các đại biểu tham dự

Liên quan tới vấn đề chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã xác định tài chính, ngân hàng là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số để tiết giảm chi phí, mang lại hiệu quả xã hội cao nhất. Ngân hàng Nhà nước đã đạt nhiều kết quả tích cực sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, có một loại hình ngân hàng số mới xuất hiện trong những năm gần đâyđược gọi là ngân hàng số NeoBank vẫn chưa được quan tâm, định hướng, dẫn dắt. Loại ngân hàng số NeoBank này hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa, ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp nhiều tính năng vượt trội, những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được, với tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn; đặc biệt, tất cả đều được tích hợp chỉ trong một ứng dụng di động. Đó là cách đưa dịch vụ ngân hàng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, có thể trở thành động lực, điểm nhấn trong chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do đó, cử tri mong muốn được nghe ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung này.

Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia

Đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi không được phân bổ, có những nội dung được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không giải ngân được. 

Bên cạnh đó, địa phương không được tự điều chỉnh do thẩm quyền này là của Trung ương. Việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Từ thực trạng đó, đại biểu đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa vào nghị quyết của kỳ họp./.

Minh Thành