ĐBQH TRẦN THỊ VÂN: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG VÀO QUY HOẠCH TỔNG THỂ

10/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án luật Viễn thông (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung dự thảo, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào quy hoạch tổng thể nhằm đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành khác.

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, dự thảo đã Luật thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cũng theo đại biểu, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cònkhắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông hạn chế quá trình phát triển số. Bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát triển trên môi trường số, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông.

 Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Về điều kiện gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp mới giấy phép viễn thông (Điều 42), đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu và bổ sung điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài, không hiện diện tại Việt Nam, cung cấp dung lượng viễn thông toàn chủ đến trạm cập bờ hệ thống cáp biển quốc tế được cấp phép tại Việt Nam. Đề phù hợp theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam cho phép dung lượng cáp biển toàn chủ đến trạm cập bờ được cấp phép tại Việt Nam và được cung cấp dung lượng cáp biển quốc tế toàn chủ này cho các doanh nghiệp có hạ tầng mạng được cấp phép tại Việt Nam.

Về chia sẻ hạ tầng viễn thông (Điều 49), đại biểu cho rằng tại điểm a, khoản 1, Điều 49 quy định chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp khoảng 10%, đặc biệt cột, trạm BTS (cùng một vị trí cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel đều xây dựng, lắp đặt cột BTS như vậy gây mất mỹ quan đô thị và tốn kém kinh phí). Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định có một doanh nghiệp đầu tư, quản lý hạ tầng viễn thông, cho các nhà mạng thuê lại để khắc phục tình trạng trên.

Về quy hoạch công trình viễn thông (Điều 64), đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 64 của dự thảo Luật một số nội dung cụ thể như sau: Phương thức lắp đặt công trình viễn thông trên đất công và tài sản công khác: Các nhà mạng viễn thông được phép thuê một phần diện tích đất công hoặc tài sản công của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước để lắp đặt các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) nhằm phục vụ nhu cầu của người sử dụng các dịch vụ viễn thông, đơn vị cho thuê được phép quản lý và sử dụng số tiền thu được theo quy định của pháp luật.

Đối với các trạm BTS đã được các nhà mạng lắp đặt trước thời điểm Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực tại đất công, tài sản công của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thì các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục thuê dất công, tài sản công.

Theo đại biểu tỉnh Bắc Ninh so với hạ tầng kỹ thuật các ngành điện, nước, giao thông thì hạ tầng viễn thông là hạ tầng kỹ thuật thụ động, gây khó khăn trong quá trình lắp đặt và mất mỹ quan đô thị, vì vậy đề nghị bổ sung hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào quy hoạch tổng thể để hạ tầng kỹ thuật viễn thông được đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành khác.

Về dịch vụ viễn thông vệ tinh, đại biểu  đề nghị Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung những quy định khuyến khích và cho phép các dịch vụ viễn thông vệ tinh xuyên biên giới nếu doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ này có văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc ký kết hợp đồng thương mại với một doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho rằng, do dịch vụ này hiện nay đang được nhiều quốc gia tạo điều kiện phát triển vì những lợi thế về độ bao phủ gần như ở mọi nơi, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trong khi không phải đầu tư lắp đặt các hệ thống cáp biển hay đường truyền cần vốn đầu tư lớn và tính ổn định không cao. Dịch vụ viễn thông vệ tinh giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cáp, đường truyền, giúp đa dạng kết nối Internet quốc tế.

Ngoài ra, theo đại biểu, hiện nay các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng tuyến đường có liên quan đến dịch chuyển hạ tầng viễn thông như: cống bể cáp, cột treo cáp, cáp… chưa có quy định thẩm quyền phê duyệt, quản lý đầu tư dự án mới, dịch chuyển hạ tầng viễn thông sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, khi các đơn vị đề nghị phê duyệt thiết kế và dự toán dịch chuyển hạ tầng viễn thông thì không có cơ sở để thẩm định quản lý đầu tư hạ tầng viễn thông như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin... Vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị, dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý đầu tư hạ tầng viễn thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khắc phục tình trạng trên./.

Lê Anh - Nghĩa Đức