ĐBQH THÁI QUỲNH MAI DUNG: CẦN CÓ QUY ĐỊNH LỰA CHỌN HÌNH THỨC VĂN BẢN GIẤY VÀ VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

13/06/2023

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tán thành việc quy định chuyển đổi giữa thông điệp dữ liệu và văn bản giấy; đồng thời quy định các bên có thể lựa chọn việc giao kết hợp đồng bằng hình thức ký hoặc bằng hình thức chấp nhận được khác đối với thông điệp dữ liệu.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

Đánh giá cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng báo cáo đã tiếp thu rất đầy đủ, chi tiết các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã cung cấp rất nhiều tài liệu tham khảo phong phú, dễ hiểu, vì đây là lĩnh vực rất khó và là lĩnh vực đặc thù chuyên ngành.

Quy định rõ việc chuyển đổi giữa thông điệp dữ liệu và văn bản giấy

Tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung quan tâm đến nội dung chuyển đổi giữa thông điệp dữ liệu và bản giấy, quy định tại Điều 15. Đại biểu chỉ rõ, qua thực tế hiện nay cũng như trong báo cáo giải trình, tiếp thu đã nêu, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hải quan thì luôn tồn tại hồ sơ điện tử và yêu cầu về giá trị pháp lý xác thực cũng như là bảo đảm an toàn cho hồ sơ điện tử.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Luật Giao dịch điện tử hiện hành chỉ mới đề cập đến văn bản điện tử trong hệ quy chiếu so với văn bản giấy, trong khi hiện nay đã có văn bản điện tử tồn tại độc lập. Các quy định về giá trị pháp lý, chứng cứ của thông điệp dữ liệu điện tử hiện nay mới chỉ mang tính nguyên tắc. Các hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức vẫn đang xử lý song song giữa văn bản điện tử và văn bản giấy, điều này gây ra lãng phí rất lớn cho xã hội.

Do vậy, đại biểu nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu là cần có quy định lựa chọn hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử, quy định quyền được lựa chọn hình thức sử dụng, lưu trữ và giá trị pháp lý cũng như các quy định khác. Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một xu hướng là lưu trữ điện tử, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tuyên bố sẽ số hóa một lượng lớn các tài liệu có giá trị từ 500 năm trở lại đây. Các trung tâm lưu trữ lớn trên thế giới hiện nay cũng đang tiến hành số hóa và bảo quản một khối lượng lớn tài liệu điện tử. Một số dự báo cho rằng trong tương lai phần tài liệu được tổ chức sử dụng cũng như xuất bản sẽ hầu hết ở dưới dạng điện tử.

Chính vì vậy, việc quy định chuyển đổi giữa thông điệp dữ liệu và văn bản giấy áp dụng cho các thủ tục hành chính theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông tại báo cáo đánh giá tác động sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ mỗi năm, chi phí tiết kiệm được từ việc sao chụp, chứng thực, di chuyển cũng tiết kiệm được khoảng hơn 2.500 tỷ mỗi năm. Với các lý do trên tôi nhất trí cao với việc bổ sung quy định tại Điều 15, phải làm rõ cách thức chuyển đổi thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và ngược lại. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay còn thiếu các quy định công nhận giá trị sử dụng hay giá trị pháp lý của các văn bản đã được chuyển đổi dữ liệu. Dự thảo luật tại khoản 3 giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhưng nếu có thể luật hóa được những nguyên tắc nào ở trong luật này thì nên đưa ngay vào trong luật. Ngoài ra, cũng cần có các tham chiếu đối với các quy định của luật khác.

Có thể lựa chọn việc giao kết hợp đồng bằng hình thức ký hoặc bằng hình thức chấp nhận được khác

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đã đưa ra quan điểm đối với hình thức khác ngoài chữ ký điện tử quy định tại khoản 4 Điều 25. Đại biểu bày tỏ thống nhất với tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay các hình thức xác nhận khác như là tài khoản giao dịch, mật khẩu, mã OTP mặc dù có thể chưa đáp ứng các điều kiện để trở thành chữ ký điện tử như quy định của dự thảo luật nhưng vẫn cần được quy định tại dự thảo này để phù hợp với nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử là tự thỏa thuận về việc lựa chọn công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch điện tử và thực tiễn triển khai trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng, quy định này cũng phù hợp với khoản 4 Điều 400 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, điều luật quy định: "thời điểm giao kết hợp đồng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản". Như vậy, giao dịch dân sự thông qua những phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo pháp luật về giao dịch điện tử sẽ được coi là giao dịch bằng văn bản, nên các bên có thể lựa chọn việc giao kết hợp đồng bằng hình thức ký hoặc bằng hình thức chấp nhận được khác đối với thông điệp dữ liệu.

Minh Hùng