PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đã thực sự quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và các quy định hướng dẫn phục vụ công tác giám sát; giám sát tối cao, giám sát chuyên đề được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả; hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ở địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy quy định của pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; quy định về việc thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, địa phương có ít đại biểu Quốc hội rất khó thành lập đoàn giám sát. Những vấn đề này cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung sớm trong thời gian tới.
Về hoạt động giám sát, cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra tại Tờ trình đầy đủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương. Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua.
Đại biểu đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Đồng thời, đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa về điều kiện vật chất, nhất là việc bố trí kinh phí để Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát của mình theo quy định của pháp luật. Vừa qua kinh phí cấp cho công tác giám sát ở địa phương mới chỉ đảm bảo phục vụ cho các cuộc giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát của cá nhân đại biểu Quốc hội hiện nay chưa được quan tâm, bố trí kinh phí phù hợp để phục vụ cho các hoạt động này. Đại biểu mong mong các cơ quan chuyên môn của Quốc hội quan tâm hơn trong thời gian tới.
Về các chuyên đề giám sát năm 2024, đại biểu đề xuất Quốc hội giám sát tối cao đối với chuyên đề 1 và chuyên 2, đó là giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án trọng điểm kinh tế - xã hội. Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19 ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề 3 và chuyên đề 4 nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.