ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: BÁO CÁO SÁT THỰC TẾ, ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

20/06/2023

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để vừa có báo cáo sát thực tế, vừa có đề xuất chính sách phù hợp phục vụ cho công cuộc phát triển nhanh và bền vững đất nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Khắc phục hiện tượng tăng trưởng chậm trong đầu năm 2023

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, Báo cáo đánh giá bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2022 và đầu năm 2023 của Chính phủ đã nêu nhiều kết quả tích cực, tạo niềm phấn khởi cho cử tri.

Trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và xung đột Đông Âu, Việt Nam vẫn giữ chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ 3,15%, trong khi GDP tăng tới 8,02% năm 2022 là một thành công đáng kể, chỉ có 2/15 chỉ tiêu được giao là chưa đạt.

Mặc dù theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì cả 2 chỉ tiêu này phản ánh chất lượng tăng trưởng, đặc biệt chỉ tiêu năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu 5,5% trong Nghị quyết 32 Quốc hội XV nhưng chưa được phân tích kỹ để tìm nguyên nhân tại sao thường xuyên không đạt chỉ tiêu này. Nếu không tìm đúng nguyên nhân thì sẽ không có giải pháp và như vậy năm 2023 lại có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu này trong Nghị quyết 68 của Quốc hội khóa XV. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, vì rõ ràng không thể tăng GDP liên tục tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như thời gian trước đây.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu chỉ rõ, trong phần đánh giá, nguyên nhân hạn chế, báo cáo nêu chủ yếu do tác động từ bên ngoài và cũng thẳng thắn nhìn nhận có tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm, tuy nhiên phần nguyên nhân do vướng mắc các chính sách thì chưa được đề cập cụ thể.

Ví dụ cần đánh giá vướng mắc của Luật Quy hoạch như nêu trong khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 61/QH15 để thấy những vướng mắc nào đang gây cản trở phát triển kinh tế, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, thậm chí có thể đề xuất tạm đình chỉ thi hành một số điều cho đến khi luật được sửa đổi, ban hành. Tương tự như vậy, cần rà soát tất cả các vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công hay bất cứ văn bản pháp luật nào hiện hành mà không còn phù hợp với thực tiễn để có giải pháp tháo gỡ, kích thích kinh tế phát triển, khắc phục hiện tượng tăng trưởng chậm trong những tháng đầu năm 2023 này.

Báo cáo sát thực tế, đề xuất chính sách phù hợp

Ngoài các chỉ tiêu về kinh tế, đại biểu cho biết, có hai chỉ tiêu về môi trường là chỉ tiêu số 14, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và chỉ tiêu số 15, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều được báo cáo là đạt và vượt kế hoạch đã gây băn khoăn không ít cho cử tri và đại biểu Quốc hội.

Thực tế là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt chưa được khắc phục trên toàn quốc, cả năm 2022 không có một nhà máy xử lý rác thải nào được đưa vào vận hành đáp ứng tiêu chuẩn môi trường nêu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các lò đốt rác thủ công vẫn hiện hữu, đang tiếp tục xả khí độc vào môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có tới 71% rác thải được chôn lấp, trong số này chỉ có 15 đến 20% là chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại đang gây ô nhiễm không khí, hủy hoại môi trường đất và ô nhiễm nguồn nước, vấn đề này đã được đại biểu Thanh Hương, Đoàn An Giang nêu tại hội trường. Vì thế, con số 96,28% rác thải đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh thật sự là gây hoài nghi cho cử tri.

Tương tự như vậy, con số 91% các khu công nghiệp và khu chế xuất, các khu xử lý nước thải tập trung cũng gây băn khoăn đáng kể, vì thực tế giám sát ở một vài địa phương thì con số này chỉ đạt 51 đến 57%, thậm chí có nơi hàng chục năm nay không xây dựng xong khu xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn mở rộng khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 100% và các nhà máy mới vẫn lắp đường ống dẫn nước thải ra khu xử lý bỏ hoang theo đúng quy hoạch được duyệt. Ở đây còn chưa đề cập đến vấn đề ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và do khai thác khoáng sản.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét các chỉ tiêu về môi trường, đánh giá đúng thực chất để biết chính xác chúng ta đang ở đâu trên lộ trình phát triển. Những số liệu này cũng sẽ giúp ích cho việc đề ra các chỉ tiêu cho năm 2024 vào kỳ họp thứ 6 sát với thực tế, đúng với khả năng thực hiện, tránh tình trạng do không đủ thời gian đánh giá, phân tích các chỉ tiêu môi trường nên Quốc hội phải chấp nhận những con số đề xuất, vì thế con số ảo này vẫn mãi chưa đưa được về thực tế.

Đại biểu nhấn mạnh, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản mà cả hệ thống chính trị của ta luôn tuân thủ. Theo đó, lý luận chỉ đúng khi dựa trên nhận thức đúng đắn cơ sở thực tiễn, còn thực tế ảo sẽ dẫn đến chính sách ảo. Với tinh thần như vậy, đề nghị Chính phủ sâu sắc hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để vừa có báo cáo sát thực tế, vừa có đề xuất chính sách phù hợp phục vụ cho công cuộc phát triển nhanh và bền vững đất nước theo như Đại hội XIII đã đề ra, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo niềm tin trong mọi tầng lớp Nhân dân, xứng đáng là Chính phủ của Nhân dân như cử tri kỳ vọng.

Hồ Hương