ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CẦN QUY ĐỊNH MỤC RIÊNG VỀ THỎA THUẬN NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

21/06/2023

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định mục riêng về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) 

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và cơ quan soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, dự thảo luật quy định rất cụ thể và chi tiết về thẩm quyền thu hồi đất và trình tư, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi; phân công nhiệm vụ thu hồi, tổ chức cưỡng chế… nhưng với hình thức thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, dự thảo Luật không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thỏa thuận cũng như thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện các dự án có liên quan đến đất đai gặp nhiều vướng mắc. 

Do vậy, Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định thành mục riêng về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, có các Điều khoản quy định về trình tự, thủ tục thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trách nhiệm, nghĩa vụ các bên…

Liên quan đến nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại Khoản 2, Điều 90 quy định: Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với người có đất bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền được kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013. Còn việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nội dung của nguyên tắc này được mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đại biểu nhấn mạnh, về lý thuyết, nội dung nguyên tắc này là rất tốt, sẽ được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ; nhưng thực tế khi thực hiện sẽ rất khó khăn so với bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền. Bởi lẽ, không chỉ thống nhất được với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng và đơn giá nơi đi, mà còn phải thống nhất người bị thu hồi về khối lượng, số lượng và đơn giá nơi đến đối với đất hoặc nhà ở. Do vậy, đối với nội dung của nguyên tắc này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội và để bảo đảm luật có tính khả thi.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập tại Điều 92 chỉ thực hiện đối với các dự án thuộc đầu tư công là chưa thỏa đáng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả các dự án thuộc thẩm quyền Nhà nước thu hồi đất theo dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, cần làm rõ Điều 158 quy định về nguyên tắc, căn cứ, phướng pháp định giá đất xem đây là nguyên tắc, căn cứ, phướng pháp định giá đất cho Bảng giá đất hay cho Giá đất cụ thể. Vì, tại Khoản 3, Điều 159 quy định Bảng giá đất được áp dụng cho 10 trường hợp; trong đó không có trường hợp giá đất tính tiền bồi thường về đất khi bị thu hồi. Đồng thời, cần thể hiện và quy định cụ thể về nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá đất ngay trong dự thảo luật tại điểm a, Khoản 1.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần giải thích cụm từ về “Giá đất cụ thể” tại Điều 160. Bởi tại điểm d, Khoản 1 quy định giá đất cụ thể được áp dụng: Tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Song thực tế, giá đất cụ thể được tính toán dựa trên nguyên tắc, căn cứ và phương pháp tính nào, hay vẫn dựa vào Bảng giá đất tại Điều 158 và có xác định theo nguyên tắc giá thị trường không. Vì, tại Khoản 4 có quy định: Đối với khu vực đã có Bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá trị thửa đất chuẩn thì giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá. Do đó, cần làm rõ nội dung quy định tại điều khoản này./.

Thu Phương