ĐBQH ĐỒNG NGỌC BA: CẦN LÀM TỐT VIỆC KIỂM SOÁT CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DƯỚI LUẬT

24/07/2023

Thảo luận về kết quả phát triển KT-XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện đầu năm 2023, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần làm tốt việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đồng thời, đảm bảo chất lượng của các văn bản.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Cần làm tốt việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật

Đóng góp ý kiến thêm vào nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế thể hiện trong giải pháp thứ ba của Báo cáo 323 của Chính phủ, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết, nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến nguyên nhân của thể chế bất cập gây ra những hạn chế, bất cập trong các lĩnh vực.

Đại biểu nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới thì chúng ta đã hết sức nỗ lực để có được hệ thống pháp luật như ngày hôm nay. Chúng ta thực hiện chiến lược từ năm 2005, vừa rồi chúng ta có tổng kết và ban hành Nghị quyết 27, có thể gọi là chiến lược mới, cả hệ thống đang hết sức nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cho đến nay cả về lý luận cũng như luật thực định của chúng ta cơ bản đã đầy đủ, điều này đã được đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và nhiều diễn đàn cũng đã nêu.

Về hệ thống văn bản hiện nay chúng ta có khoảng 230 đạo luật, có khoảng hơn 1.000 văn bản là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khoảng hơn 7.000 thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cấp chính quyền địa phương là khoảng 27.000, các văn bản của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, có thể nói là điều chỉnh cơ bản toàn diện các lĩnh vực.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu

Đại biểu đề nghị khi chúng ta đánh giá về các kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ hay từng năm thì cần có những đánh giá cụ thể hơn, lượng hóa những đóng góp của thể chế vào kết quả cụ thể của phát triển kinh tế - xã hội, cũng như là các vấn đề về an sinh xã hội, bên cạnh đó chúng ta cũng phải thừa nhận là còn nhiều bất cập của hệ thống pháp luật.

Đại biểu cho rằng trọng tâm trong nhiệm vụ Chính phủ xác định trong thời gian tới về thể chế thì cần nhấn mạnh hơn việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Hiện nay có thể nói là phần lớn các văn bản của Trung ương, văn bản của Chính phủ và các bộ có sự thay đổi hàng năm cũng rất là lớn. Hằng năm Chính phủ ban hành hàng trăm nghị định, có năm lên đến gần 200 nghị định, như năm 2022 vừa rồi tới 131 Nghị định, như vậy nếu chúng ta tính khoảng 240 ngày làm việc 1 năm thì cứ 2 ngày là ban hành một Nghị định. Nghị định cuối năm 2022 là Nghị định 131 hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh ký vào ngày 31/12/2022.

Thông tư của Bộ trưởng thì bình quân mỗi một năm các bộ ban hành khoảng 50 thông tư và có những bộ ban hành hàng trăm thông tư và có lẽ lớn nhất là Bộ Tài chính, như năm 2021 Bộ Tài chính ban hành tới 128 thông tư và có những năm Bộ Tài chính ban hành tới 349 thông tư như năm 2016, như vậy có thể là 2 ngày làm việc ban hành 3 thông tư, cũng rất khó khăn cho việc nhận thức và áp dụng.

Đảm bảo chất lượng của các văn bản

Đại biểu nêu rõ, chúng ta có nhiều cơ chế để đảm bảo chất lượng, phần tiền kiểm tức là soạn thảo, thẩm định, thẩm tra để ban hành thì tương đối hoàn thiện, nhưng phần hậu kiểm đại biểu cho rằng còn rất nhiều vấn đề. Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ thì cơ bản là chúng ta mới hậu kiểm được về tính pháp lý, đặc biệt là văn bản của các bộ thì mới kiểm soát được tính pháp lý và vai trò đầu mối là Bộ Tư pháp làm tương đối tốt việc này hàng năm, đều có kết quả, có danh mục chỉ ra những quy định nào là trái, quy định nào là chưa phù hợp để có đề nghị xử lý. Nhưng kiểm soát về tính hợp lý chúng ta đang rất yếu. Nhiều đại biểu nêu về bất cập liên quan đến các quy định phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, đặc biệt là liên quan đến Thông tư 25 về sách giáo khoa … Những thông tư đó không có vấn đề về pháp lý theo nghĩa hẹp, được hiểu là không trái pháp luật, nhưng tính hợp lý thì phải xem xét. Vậy cơ chế nào để chúng ta xử lý tính hợp lý đó?

Thứ nhất, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các thể chế hiện tại để đảm bảo chất lượng của các văn bản và đặc biệt quan tâm đến hệ thống kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có. Trong thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu việc giao một cơ quan của Chính phủ kiểm tra trước và xem xét tính pháp lý cũng như tính hợp lý của các thông tư của các bộ trưởng trước khi ban hành, hiện nay chúng ta chưa có.

Thứ hai, cần phải giao một cơ quan đầu mối để kiểm soát tính hợp pháp và kể cả tính hợp lý đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay chúng ta chưa có đầu mối này một cách rõ ràng, các nước người ta có cơ chế tòa án để xét xử các văn bản không phù hợp của Chính phủ hay của các bộ. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến đảm bảo nguồn lực, kinh phí nhiều đại biểu đã góp ý ở các kỳ họp trước cũng mong Chính phủ tiếp tục quan tâm để đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản của Chính phủ và các bộ.

Minh Hùng