ĐBQH CHU THỊ HỒNG THÁI: GIẢI PHÁP NÀO XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NÔNG SẢN VIỆT?

16/08/2023

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Phiên họp thứ 25, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Các đại biểu tại Phiên chất vấn

Việt Nam là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong các loại nông sản, mặt hàng gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt cũng đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng được mặt hàng gạo trở thành thương hiệu mạnh, nói đến gạo là nghĩ đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.

Rõ ràng, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. 

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới cũng chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam với các yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã sản phẩm…

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề này đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay có đến 80% sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô…

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái về việc xây dựng thương hiệucho nông sản Việt Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng làm rõ cần phân biệt giữa nhãn hiệu với thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng ký là xong. Nhưng đối với thương hiệu phải là những gì in vào tâm trí của người tiêu dùng bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình như khi nói đến thương hiệu xe Toyota thì sẽ nghĩ ngay đến chất lượng xe, độ bền của xe.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, liên kết sản xuất theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.

Theo Bộ trưởng, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất. 

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn./.

Thu Phương

Các bài viết khác