ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: "NĂNG LỰC SỐ" - HÀNH TRANG QUAN TRỌNG ĐỂ THANH NIÊN THAM GIA XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

15/09/2023

Đánh giá cao Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, tăng cường năng lực số chính là trao cho Thanh niên hành trang quan trọng nhất để họ tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.

TỌA ĐÀM “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC SỐ CHO THANH NIÊN” – HOẠT ĐỘNG ĐẦU TIÊN TRONG KHUÔN KHỔ HỘI NGHỊ NGHỊ SỸ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9

NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO THANH NIÊN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NĂNG LỰC SỐ

Tọa đàm Tăng cường năng lực số cho thanh niên

Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, chiều 14/9, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) đã diễn ra Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên”. Mục đích của Tọa đàm nhằm tạo cơ hội cho thanh niên Việt Nam và nghị sĩ trẻ đến từ nhiều nước trên  thế giới có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các nội dung liên quan  đến vấn đề tăng cường năng lực số cho thanh niên. Từ đó, Trung ương Đoàn và  các cơ quan hữu quan có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng các  giải pháp tăng cường năng lực số cho thanh niên trong thời gian tới.

Tại Tọa đàm, các diễn giả cũng như các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới; đặc biệt là vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các lĩnh vực trong cuộc sống. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực số cho giới trẻ; chia sẻ những nguy cơ và thách thức mà giới trẻ khi tiếp cận những tiến bộ về công nghệ số hiện nay.

Phóng viên: Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lựa chọn chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo”. Bà có đánh giá như thế nào về chủ đề này?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã khiến thế giới có những thay đổi nhanh chóng. Trong kỉ nguyên số này bất cứ sự chần chừ nào, chậm trễ nào trong ứng dụng chuyển đổi số cũng là bỏ lỡ cơ hội vàng về phát triển.

Bởi thế chủ đề của hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được lựa chọn rất đúng và rất trúng trong bối cảnh hiện tại không những của Việt Nam mà của toàn thế giới.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tôi cho rằng, vai trò của giới trẻ là vô cùng quan trọng. Đây luôn là lực lượng nhạy cảm và tiên phong với cái mới, cái hiện đại, tích cực. Đây cũng là lực lượng lao động nòng cốt của các quốc gia. Những nghị sĩ trẻ là những người vừa tiên phong với mọi đổi mới sáng tạo, vừa có vai trò trong quá trình lập pháp của Quốc hội.

Từ diễn đàn này, các nghị sĩ trẻ sẽ đóng góp quan điểm, đánh giá, sáng kiến của mình trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. 

Phóng viên: Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này đã dành hẳn 1 phiên Tọa đàm để thảo luận nội dung về tăng cường năng lực số cho Thanh niên (do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức). Theo bà, việc tăng cường năng lực số cho thanh niên có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển của mỗi quốc gia?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng, trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống, trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các tài sản vật lý hữu hình đang dần chuyển thành các tài sản số, nguồn nhân lực trong các tổ chức, doanh nghiệp đang chịu tác động sâu sắc khi các vị trí nghề nghiệp liên tục biến đổi. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến sinh hoạt, học tập, làm việc và phát triển của thanh thiếu nhi. Công nghệ, các nền tảng số và năng lực số của công dân trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân.

Tận dụng ưu thế của công nghệ, nhiều quốc gia “đi sau” đã nhanh chóng bứt phá, trở thành những nước phát triển, đóng vai trò dẫn dắt khu vực và thế giới. Ở chiều ngược lại, những nước không kịp thời thay đổi, không có giải pháp hữu hiệu ứng dụng, phát triển công nghệ đã dần tụt hậu, mất vai trò và vị thế của mình. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng số trở thành lực lượng vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia.

Do vậy, tôi cho rằng, việc tăng cường năng lực số cho thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Có thể ví việc này như chúng ta trao cho thanh niên chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tri thức; trao cho thanh niên hành trang quan trọng nhất để tham gia quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi mỗi công dân đều là công dân số, công dân toàn cầu trong kỉ nguyên số thì năng lực số của thanh niên phải là phẩm chất cần thiết.

Phóng viên: Để tăng cường năng lực số cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên Việt Nam trong thời gian tới, xin bà gợi ý những giải pháp trước mắt và lâu dài mà chúng ta nên tập trung?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Để tăng cường năng lực số cho thanh niên, tôi cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp sau: 

Thứ nhất cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội nói chung và của tầng lớp thanh niên nói riêng về tầm quan trọng, thiết yếu của chuyển đổi số, năng lực số trong mỗi cá nhân. Trong nhận thức cần có sự thay đổi căn bản về ứng dụng công nghệ số. Hiện nay, tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ của Việt Nam còn tương đối lãng phí. Ví dụ mọi người sử dụng mạng internet phần lớn để giải trí và tham gia các mạng xã hội nhiều khi sa đà vào những hoạt động vô bổ, thậm chí có hại mà chưa chú trọng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật….

Thứ hai là cần quan tâm hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều khoảng trống, kẽ hở. Bởi vậy cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin luôn luôn có sự phát triển và thay đổi theo từng giờ. 

Thứ ba là tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số. Đây là điều vô cùng quan trọng. Hạ tầng số đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, đồng bộ và hiện đại. Nếu không có một hạ tầng tốt, chúng ta không thể phát triển, ứng dụng được công nghệ số.

Cuối cùng, theo đánh giá của tôi, yếu tố quan trọng nhất luôn là yếu tố con người. Cho nên việc đào tạo, bồi dưỡng các kĩ năng, các kiến thức cho đội ngũ công dân số là vô cùng quan trọng. Nếu không, hạ tầng có hiện đại và đồng bộ đến đâu cũng trở nên vô ích, lãng phí, không phát huy được tác dụng. Cho nên, tôi luôn muốn nhấn mạnh, đề cao yếu tố con người.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương