PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CỤ THỂ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII
Thảo luận tại Hội trường về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã đóng góp nhiều ý kiến về những kết quả đạt được cho đến nay, phân tích thực trạng, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức theo tinh thần của Trung ương trong thời gian tới.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh, cần phải xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Phóng viên: Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò như thế nào trong việc phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa dân tộc, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững.
Cách đây đúng 580 năm, khi soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442), Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Điều này cho thấy coi trọng giáo dục, vai trò của trí thức là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong văn hóa dân tộc. Đây cũng là lý do tạo nên sức mạnh Việt Nam từ việc coi trọng học vấn, đề cao những giá trị của tầng lớp tiên phong trong việc hình thành, giữ gìn, lan tỏa truyền thống văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Tôi cho rằng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Trí thức giúp khai mở cho xã hội tri thức về thế giới thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp, và tình yêu thương cho con người. Nếu như đội ngũ trí thức – tiêu biểu như những nhà Nho – đóng góp công lao rất lớn vào việc tạo ra những tác phẩm để lại dấu ấn trong văn hóa bác học, lưu truyền trong dân gian thì các văn nghệ sĩ cũng góp sức mình để các tác phẩm ấy có được sức sống trong cộng đồng, khán giả. Gần như tất cả các sản phẩm nghệ thuật truyền thống đều hướng đến việc giáo hóa đạo đức, để từ đó, dòng chảy văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức cộng đồng, được lan tỏa, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn.
Gắn bó, đồng hành với sự phát triển của đất nước
Phóng viên: Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã chứng minh vai trò là “nguyên khí quốc gia” của mình như thế nào trong lịch sử phát triển đất nước ta, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều trí thức đã có những đóng góp, cống hiến sức lực, trí lực, sẵn sàng và chấp nhận hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành được những thắng lợi vĩ đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ. Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 đề ra 3 nguyên tắc xây dựng văn hoá (dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa), trong đó nguyên tắc khoa học hoá chính là sự đề cao vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc xây dựng văn hoá đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức, coi trọng vai trò của văn nghệ sĩ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức, coi trọng vai trò của văn nghệ sĩ. Người nói: “Văn hoá soi đường quốc dân đi”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. Được truyền cảm hứng từ sự động viên đó, những bài hát, lời ca ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”,… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát, lời ca về chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”, “Bác Hồ người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ trí thức nước ta đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.
Chúng ta cũng thấy trong bối cảnh mới của đất nước, khi mà tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt của các phương tiện truyền thông mới đã dẫn đến những lo ngại về văn hóa, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn dân tộc thì đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ càng đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã thực sự tạo nguồn cảm hứng tinh thần cho dân tộc vượt qua các khó khăn. Bên cạnh những tấm gương khoa học nỗ lực hết mình, các văn nghệ sĩ cũng thể hiện những tấm gương không chùn bước trước khó khăn, tiên phong tạo ra những tác phẩm văn hóa – nghệ thuật để động viên mọi người giữ vững tinh thần, vượt qua thử thách. Trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chính những bài hát như “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid”, bộ phim tài liệu “Ranh giới”, những bức tranh tuyên truyền, cổ động chống Covid-19, hay các sản phẩm nghệ thuật đa dạng khác đã khiến xã hội vượt qua khó khăn của dịch bệnh bằng một tinh thần vững vàng hơn, thoải mái hơn. Lúc này, văn nghệ sĩ đã giúp đất nước vững tâm hơn, có một tinh thần kiên cường hơn trong đối phó với khó khăn…
Tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức vững mạnh, nâng tầm trí tuệ dân tộc
Phóng viên: Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII vừa qua đã thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đội ngũ trí thức, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng vậy, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn.
Chúng ta đang sống trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, bất kỳ quốc gia nào không quan tâm đầy đủ đến tri thức, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng tụt hậu. Đây là một trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã từng nhận diện và cảnh báo. Tập trung cho khoa học, công nghệ chính là cách tạo ra đột phá cho sự phát triển của đất nước hiện tại, cũng như những giai đoạn sắp tới.
Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức giúp chúng ta khẳng định rõ ràng hơn: Khoa học và công nghệ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Để đổi mới và tạo ra các giải pháp mới, cần có đội ngũ trí thức với kiến thức và kỹ năng đầy đủ để nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Nghị quyết mới lần này cũng giúp giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, năng lượng và tài nguyên bị cạn kiệt đang đòi hỏi sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia có kiến thức sâu rộng. Đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả cho những vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các trí thức trẻ
Cùng với đó, do khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia nên đội ngũ trí thức trình độ cao sẽ giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng, phát triển các công nghệ cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Nghị quyết mới cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đất nước. Trong thế giới hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng thể hiện ở tính kỹ thuật và phức tạp hơn. Các quốc gia và doanh nghiệp phụ thuộc vào tri thức để duy trì và tăng trưởng kinh tế. Kinh tế sáng tạo đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, đóng góp nhiều nhất cho nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này, và đội ngũ các trí thức chính là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, Nghị quyết mới về đội ngũ trí thức còn giúp nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ trong xã hội. Bởi đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và giúp mọi người hiểu rõ về thế giới xung quanh. Đối với văn hóa chẳng hạn, trí thức trở thành một "bộ lọc" cho sự du nhập văn hóa từ bên ngoài, hạn chế tối đa những trào lưu văn hóa hời hợt, không phù hợp với những giá trị văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhiệm vụ của trí thức là “gạn đục khơi trong”, là hiểu biết đầy đủ để diễn đạt lại các giá trị chân chính qua các tập quán, nghi lễ, văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó bồi đắp, sáng tạo để hình thành nên văn hóa mới, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa tác động tích cực sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách như thế nào để thu hút, giữ chân nhân tài và phát triển đội ngũ trí thức?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đã có tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, theo tôi, cần tập trung thực hiện đồng bộ 5 giải pháp.
Một là, tăng thu nhập và phúc lợi cho trí thức, qua việc bảo đảm mức lương và phúc lợi hấp dẫn cho trí thức, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, và y tế; cải thiện các chính sách thuế và bảo hiểm xã hội để giảm áp lực tài chính đối với trí thức.
Hai là, hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo qua việc cung cấp tài trợ và nguồn lực cho dự án nghiên cứu và sáng tạo, tạo điều kiện để trí thức có thể tham gia vào dự án và công việc nghiên cứu thông qua việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho nghiên cứu.
Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn và quy định thủ tục đơn giản hóa để khuyến khích trí thức tham gia vào doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển công nghệ.
Bốn là, tạo cơ hội cho trí thức làm việc và học hỏi tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức và cộng đồng khoa học quốc tế để thúc đẩy trao đổi kiến thức, kỹ thuật.
Năm là, xây dựng môi trường làm việc thân thiện và chất lượng để Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn cho nhân tài quốc tế và thu hút trí thức quốc tế trở về. Khuyến khích hơn nữa và đảm bảo rằng trí thức có tiếng nói trong quyết định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!