TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 26/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Phát biểu quan điểm góp ý đối với dự thảo Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định bày tỏ quan tâm đến nội dung liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương, bởi đây vừa là cơ sở để quản lý, vừa là cơ sở để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo đại biểu, việc thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề mà tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm. Đối với việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước và số liệu quan trắc theo quy định tại Điều 51 của Luật này và pháp luật có liên quan thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Tổ chức, cá nhân chia sẻ, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước do mình thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được khai thác thông tin, dữ liệu tương ứng tại Điều 7; và quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước sử dụng ngân sách nhà nước phải cập nhật thông tin, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia sau khi được thẩm định, nghiệm thu tại Điều 10, đại biểu Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn vai trò của cá nhân trong cung cấp thông tin theo quy định.
Liên quan đến quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý lưu vực sông, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là các chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch điều hòa, khai thác, sử dụng nước, giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông, phân định rõ hơn giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác sử dụng trong các lưu vực sông.
Các đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Đề cập đến việc tái tạo, phục hồi lại các dòng sông chết, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trước yêu cầu ngày càng cấp bách về nguy cơ khô hạn, thiếu nước ngọt có thể xảy ra hàng năm; những ảnh hưởng từ sạt lở đất, biến đổi dòng, dự thảo Luật nên quy định riêng một khoản hoặc điều tại Chương 2 để quy định chiến lược quy hoạch tài nguyên nước theo hướng quy định hai năm một lần xây dựng các kịch bản ứng phó, phục vụ cho cấp nước đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu; các kịch bản cho các đô thị bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực khác do biến đổi khí hậu; kiểm soát triệt để việc xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, rủi ro xả thải công nghiệp đầu nguồn, các nguy cơ gây ô nhiễm tại các tỉnh, thành thượng lưu con sông…Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng các kịch bản rủi ro nguồn nước trong trường hợp khủng hoảng.
Về quy định các trường hợp phải kê khai đăng ký, cấp phép các hoạt động đào, ao, hồ, kênh, rạch nhằm lưu trữ nước, tạo cảnh quan… theo quy mô, mức độ tác động, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ đối tượng thực hiện hoạt động này. Cụ thể, sau khi dự thảo Luật này có hiệu lực thi hành thì các trường hợp đăng ký mới mới phải đăng ký hay cả những trường hợp đã thực hiện phải thực hiện việc đăng ký lại? Nếu nếu đăng ký lại thì quy định lộ trình thực hiện như thế nào?
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, thống nhất lại các điều khoản liên quan tới các Luật khác như Luật bảo vệ môi trường, Luật Đất đai (sửa đổi).../.