ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH THƯỜNG XUYÊN

30/10/2023

Qua nghiên cứu Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đánh giá cao kết quả rà soát và cho rằng hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác hoàn thiện pháp luật.

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CẦN CƠ CHẾ THU HÚT NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa

Hoạt động rà soát pháp luật phải được tiến hành thường xuyên

Qua nghiên cứu Báo cáo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ và Tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện. Đây là một việc rất lớn, rất khó, có thể coi là một đợt tổng rà soát văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đặc biệt là Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật về nội dung này, nhất là những nguyên tắc được đề ra như việc đánh giá phải thận trọng, kỹ lưỡng; việc rà soát phải bảo đảm khách quan; và kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, thận trọng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật. Trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát về lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát và bổ sung một số nội dung để Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác rà soát văn bản pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhất trí với việc Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6, trong đó đề nghị nhấn mạnh một số nội dung sau.

Cụ thể, hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, sử dụng có hiệu quả kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động rà soát thường xuyên.

Hiện nay, theo số liệu trên cổng thông tin điện tử pháp điển của Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển Việt Nam đã hoàn thành 267/271 đề mục, và bên cạnh mục đích là để phục vụ việc tra cứu, áp dụng, thì pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật còn nhằm mục đích để phát hiện ra những chồng chéo, mâu thuẫn của các quy phạm pháp luật ở các văn bản khác nhau cùng quy định về một nội dung.

“Đây là nguồn tư liệu rất quan trọng, làm cho việc rà soát thường xuyên của các cơ quan, địa phương dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều trong điều kiện nhân lực có hạn.”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho hay.

Tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế

Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định. Nội dung này đã được bàn rất nhiều trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Tuy nhiên, giải pháp cụ thể vẫn cần phải được ban hành văn bản hướng dẫn. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị định 55 năm 2011 về công tác pháp chế  thì cần có những điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài: sinh viên giỏi, thủ khoa về  lĩnh vực này và đãi ngộ một cách xứng đáng hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật hoặc xây dựng quy trình đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát hiện sau rà soát văn bản và có sự thống nhất của các cơ quan liên quan. Luật ban hành văn bản đã quy định tại Điều 146 về 5 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, đối với những nội dung phát hiện qua rà soát là có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp thì cần xác định là trường hợp cấp bách và áp dụng thủ tục rút gọn hoặc thủ tục đặc biệt khi sửa đổi, bổ sung.

Nhanh chóng bổ sung một số văn bản chưa được tổng hợp

Đồng thời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị nhanh chóng bổ sung một số văn bản chưa được tổng hợp vào các phụ lục Báo cáo của Chính phủ.

Trong đó, văn bản thứ nhất trong lĩnh vực đầu tư là Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, tại Phụ lục II quy định danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư của Nghị định quy định đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo thu hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư (thiếu lĩnh vực giáo dục đại học). Quy định này cũng đồng thời không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học tại khoản 4, điều 12: Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học; quy định này cũng không phù hợp với Nghị quyết 35 năm 2019 của Chính phủ là: Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo. Hiện nay, Nghị định 31 cũng đã được liệt kê trong Phụ lục II.6 kèm theo Báo cáo của Chính phủ, nhưng còn thiếu nội dung nêu trên. Kiến nghị này đã có sự nhất trí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn bản thứ hai là Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Nghị định này có một số vướng mắc khi thực hiện: Đối tượng áp dụng không bao quát hết đối tượng là cơ quan, tổ chức tiếp nhận viện trợ theo cơ chế đặc thù hiện có trên thực tế (như Văn phòng Làng SOS Việt Nam); quy định về việc kiểm soát chi, giải ngân vốn viện trợ không hoàn lại qua Kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại chưa có hướng dẫn cụ thể. Đề nghị sửa đổi để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên. Đây cũng đồng thời là kiến nghị của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Văn bản thứ ba là Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, hiện nay, trong phụ lục II.10 kèm theo báo cáo của Chính phủ đã đề xuất bổ sung lĩnh vực văn hoá, thể thao là các lĩnh vực được phép đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, theo quy định của Luật,  một dự án đáp ứng được yêu cầu phải có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ. Tại Nghị quyết thí điểm phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định tổng mức đầu tư của dự án PPP trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, giáo dục trên địa bàn.

Trong dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đề xuất quy định tương tự cho thành phố Hà Nội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thể hiện quan điểm nhất trí bằng văn bản. Do đó đề nghị bổ sung nội dung cho phép phân cấp cho Hội dồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tổng mức đầu tư của dự án PPP trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thể thao vào phụ lục báo cáo của Chính phủ về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư./.

Thu Phương

Các bài viết khác