VẪN CÒN NHIỀU VỤ VIỆC DÂN SỰ, KHIẾU KIỆN HÀNH CHÍNH TỪ CHỐI HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI

21/11/2023

Cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án, cho thẫy vẫn còn tình trạng nhiều vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính không được các đương sự lựa chọn phương thức hòa giải đối thoại. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn pháp luật nhằm hướng dẫn, giải thích những lợi ích của hòa giải, đối thoại.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/11: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CHÁNH ÁN TANDTC, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KSNDTC,… VÀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 2023

Các vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội

Đa số các đại biểu Quốc hội  tán thành với Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành tòa án nhân dân trong năm 2023. Đại biểu Phạm Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá công tác xét xử, giải quyết các loại án của ngành tòa án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, các vụ án hình sự được xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả, hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Các vụ án về kinh tế, tham nhũng, lợi dụng chức vụ được tòa án khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, trong đó, nhiều vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Các vụ việc dân sự, vụ án hành chính về cơ bản tòa án đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời hạn xét xử, giải quyết.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu chỉ ra khó khăn lớn nhất trong công tác thi hành án hình sự hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao, gây áp lực cho công tác quản lý, giam giữ. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu của công tác giam giữ, thi hành án tử hình.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh chỉ rõ, theo báo cáo, một số trại giam chưa bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ, khi làm việc với cơ quan chức năng ở địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Từ thực tế này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị, các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nếu chưa tổ chức thi hành án được ngay thì cần bố trí kinh phí đầu tư bảo đảm điều kiện giam giữ riêng ở một số trại tạm giam đang quá tải hiện nay. 

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay tình trạng trụ sở của các cơ quan tòa án, thi hành án và viện kiểm sát cấp huyện nhiều nơi đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, phân bổ, cấp kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan này. 

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Còn nhiều vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính từ chối hòa giải, đối thoại

Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác hòa giải, đối thoại vẫn chưa đạt hiệu quả vì còn nhiều vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính từ chối hòa giả, đối thoại. Nếu thực hiện tốt công tác này theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ giúp các vụ việc được giải quyết nhanh chóng, không phải xét xử, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của Nhà nước, người dân và xã hội.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, từ khi Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo ra một cơ chế pháp lý mới để người dân lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại tòa án một cách linh hoạt, phù hợp, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức cho Nhà nước, cho tổ chức, cho cá nhân. Đặc biệt, khi hòa giải thành công, mối quan hệ mâu thuẫn đôi bên được hàn gắn ngày càng tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn trong cộng đồng dân cư và giảm đáng kể vụ việc phải giải quyết cho cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, các đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng phản ánh thực tế qua khảo sát tại một số tòa án địa phương cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính không được các đương sự lựa chọn phương thức hòa giải đối thoại; người dân nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhưng từ chối hòa giải, đối thoại…

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nói riêng; những lợi ích, tính ưu việt của Luật này mang lại cho người dân, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn phương thức giải quyết hòa giải, đối thoại khi giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn pháp luật, thông qua tư vấn pháp luật cần hướng dẫn, giải thích những lợi ích của hòa giải, đối thoại để người dân lựa chọn ngày càng nhiều hơn phương thức giải quyết tranh chấp này. Có chính sách quan tâm đến đội ngũ hòa giải viên, vì hiện nay có hơn 3.000 hòa giải viên là những thẩm phán, kiểm soát viên, thư ký tòa án đã nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia hòa giải viên. Đây là đội ngũ hòa giải viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác và có uy tín cao trong cộng đồng dân cư.

 

Hải Yến

Các bài viết khác