PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH TRẦN THỊ HỒNG THANH: ĐẢM BẢO QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ NỘI DUNG THỰC HIỆN QUYỀN TƯ PHÁP CỦA TÒA ÁN

22/11/2023

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh bày tỏ tán thành việc cụ thể hóa nội dung thực hiện quyền tư pháp của Tòa án trong luật, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.

TIẾP TỤC RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ UY TÍN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

 Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết để sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh cho rằng dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có chất lượng. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. 

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu cho biết trong Chương I dự thảo Luật có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của Tòa án còn tản mát và nhiều điều khoản khác nhau. Ví dụ khoản 1 Điều 11, khoản 2 Điều 18, Khoản 3, Điều 18. Ngoài ra, trong Chương I, một số quy định về vấn đề xử lý vi phạm cũng được quy định tản mát trong một số điều, khoản, như khoản 3, Điểm 11, Khoản 4, Điều 17. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và bổ sung vào Điều 1 dự thảo Luật quy định về hành vi nghiêm cấm và quy định về xử lý vi phạm nhằm điều kiện thuận lợi so với việc áp dụng sau này.

Cho ý kiến về những nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau mà Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp quy định tại Khoản 1, Điều 3, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung quy định này trong dự thảo Luật. Bởi vì việc bổ sung nội dung này là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp đã xác định rất rõ Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.

Khoản 1 Điều 3 xác định Tòa án thực hiện quyền tư pháp và đưa ra ba nhóm quyền tư pháp cụ thể. Khoản 2 Điều 3 về thực hiện quyền tư pháp quy định 8 nhiệm vụ, giải pháp. Khi so sánh giữa Khoản 1 và Khoản 2 cho thấy để cùng thực hiện quyền tư pháp có những điều chưa tương thích. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bổ sung và làm rõ thêm trong khoản 1 Điều 3 về thực hiện quyền tư pháp. Đại biểu chỉ rõ,  Tòa án hiện đang thực hiện quyền tư pháp công nhận và quyết định cho Tòa án các phán quyết của các cơ quan tài phán ngoài Tòa án Việt Nam, phán quyết và quyết định không áp dụng trong xét xử của Tòa án các quy định trong các văn bản pháp luật không hợp hiến, hợp pháp. Nội dung này cũng cần rà soát lại, bổ sung để đảm bảo đầy đủ quy định trong Luật những quy định về quyền tư pháp và cũng đảm bảo tính tương thích, đồng bộ giữa quy định của Điều 2, Điều 3.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại Điều 15 dự thảo Luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bày tỏ tán thành cao với nội dung của dự thảo Luật. Đại biểu chia sẻ với những khó khăn của Tòa án khi có trách nhiệm thu thập chứng cứ.

Mặt khác, khi quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ cũng hoàn toàn phù hợp. Theo đại biểu, về mặt cả lý luận và thực tiễn, đối với những vụ án hình sự thì việc khởi tố, điều tra, truy tố đã thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án căn cứ trên các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập trong hồ sơ vụ án và sau khi đã kiểm tra làm rõ tại phiên tòa, đặc biệt là thông qua hoạt động tranh luận thì sẽ ra phán quyết tại tòa. Còn nếu như trong trường hợp trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và qua quá trình thực hiện tranh tụng và kiểm tra mà Tòa án nhận thấy còn có thiếu chứng cứ hoặc là có những dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì Tòa án sẽ thực hiện việc trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Tổ chức bộ máy của các cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã được luật quy định chặt chẽ với bộ máy nhân sự đảm nhận tốt nhiệm vụ này. Đối với những vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì nghĩa vụ thu thập chứng cứ thì thuộc về các bên đương sự.

Do đó, quy định của dự thảo Luật là phù hợp. Nếu như Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ rồi sau đó lại xét xử theo chứng cứ do mình thu thập thì có thể sẽ có những cái định kiến hay xem nhẹ những nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập làm. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan. Việc các bên thu thập chứng cứ cũng sẽ giúp làm thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tranh tụng trong hoạt động xét xử tại tòa.

Đối với việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn để giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 3 và Điều 30, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đồng tình với quan điểm cần phải làm rõ hơn. Bởi theo quy định tại Điều 21 Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử. Đây là thẩm quyền được Hội đồng thẩm phán thực hiện ổn định từ trước đến giờ. Như vậy đây không phải là nội dung mới. Nhưng lần này khi chính thức bổ sung vào trong luật để khẳng định quyền là giải thích áp dụng pháp luật, với cách quy định như dự thảo gần giống như thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề giải thích luật và pháp lệnh. Đại biểu cho rằng vấn đề ở đây là cách sử dụng từ ngữ. Do đó, cơ quan soạn thảo nên rà soát lại để sử dụng cách gọi để rõ hơn.

Phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang

Về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, quy định này này hợp lý cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, được quy định rõ tại Khoản 1, Điều 107 Hiến pháp năm 2013. Như vậy, đã bao gồm cả quyền khởi tố vụ án. Việc quy định Tòa án có thẩm quyền khởi tố vụ án thì sẽ dẫn đến việc mà không phân định rõ thẩm quyền giữa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Về mặt thực tiễn, Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ không đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan trong xét xử và làm thay cơ quan hành pháp, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng. Trên thực tế không có hiệu quả. Do vậy, đại biểu đồng tình với việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa và quy định này là hợp lý.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh bày tỏ nhất trí với quy định của dự thảo Luật về thành Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Làm rõ sự cần thiết của quy định này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số việc có tính chất đặc thù đòi hỏi chuyên môn hóa cao, đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng nhất trí với dự thảo Luật. Theo đó, giữ nguyên tên gọi hiện nay. Một số ý kiến cho rằng cần phải thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, nhưng Nghị quyết 27-NQ/TW không quy định về việc phải thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia. Thực tế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia như hiện nay vẫn đang làm khá là tốt. Nếu như trong quá trình thực hiện để đáp ứng với những yêu cầu cần phải có những quy định sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ thì Tòa án nhân tối cao nên rà soát lại để có những quy định sửa đổi bổ sung cho Hội đồng này hoạt động tốt hơn mà không cần thiết phải thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, đại biểu nêu rõ.

Về việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết hiện có hai luồng ý kiến.  Một là tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc đổi mới Tòa án theo cấp xét xử gồm Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm. Hai là giữ nguyên như hiện hành.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng cần cân nhắc trong việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử. Các quy định của dự thảo Luật cho thấy, việc thay đổi này không thay đổi về mặt chức năng, nhiệm vụ, về bản chất các tòa án vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ như hiện nay. Tòa án cấp huyện thì vẫn thực hiện sơ thẩm, Tòa án cấp tỉnh cũng xét xử cả sơ thẩm, cả phúc thẩm. Hơn nữa việc thay đổi sẽ còn liên quan đến hàng loạt những các quy định trong luật tố tụng.

Đại biểu phân tích, trong bối cảnh hiện nay việc thay đổi cũng làm phát sinh thêm chi phí. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc để xem xét lại vấn đề này. Đại biểu đề xuất nên để ổn định và một khi cần thay đổi thì phải thay đổi một cách đồng bộ để bảo đảm phù hợp./.

Bảo Yến

Các bài viết khác