GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ HÀNH VI CHẬM ĐÓNG VÀ TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

22/11/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những điểm mới, nhận được sự quan tâm góp ý hoàn thiện dự thảo là quy định như thế nào về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo tính khả thi.

SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN: CẦN BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI LÂU DÀI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc kéo dài nhiều năm nay tại các doanh nghiệp do hoạt động sản xuất kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, có doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ bảo hiểm xã hội, đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã thanh tra, kiểm tra để xử lý, tuy nhiên, hiệu quả không cao và hiện cũng chưa có chế tài xử lý dứt điểm tình trạng này, cũng không thể cưỡng chế thu hồi bằng biện pháp khấu trừ qua tài khoản, nên chưa đủ sức răn đe đối với những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nhằm hạn chế khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã bắt buộc, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định các trường hợp chậm đóng, trốn đóng cùng với các hình thức xử lý vi phạm.

Bổ sung chức năng xử phạt hành chính cho Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động có quyền khởi kiện nhưng qua tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cho thấy, phương án này không hiệu quả và dự án Luật sửa đổi đang sửa đổi theo hướng giao cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động (Khoản 4, Điều 37). Tuy nhiên, theo đại biểu quy trình khởi kiện đối với việc trốn đóng bảo hiểm xã hội là không phù hợp, vì trốn nóng là hành vi vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện; ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hành chính, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hành sự đối với tội danh trốn đóng.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Vương Thị Hương nêu quan điểm, để tổ chức công đoàn đứng ra đại diện khó khả thi, thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang, từ khi luật có hiệu thi hành (năm 2016) đến nay chưa tiến hành khởi kiện được vụ nào. Đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Khoản 4 Điều 37 về quy định khởi kiện; đồng thời để tăng tính răn đe, cũng như là bảo vệ quyền lợi của người lao động, nếu như đơn vị sử dụng dụng lao động mà vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tùy theo mức độ, hành vi chậm hay trốn đóng như quy định tại Điều 36 của Dự thảo luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc cao hơn là xử lý hình sự.

Liên quan đến việc các công ty, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu đề nghị có quy định về chế độ công khai rộng rãi thông tin về tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các công ty, doanh nghiệp này để người lao động có thể theo dõi, cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia vào thị trường lao động. Ngoài việc công khai thông tin cũng cần có cách để người lao động có thể tra cứu nhanh chóng, góp phần tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường lao động giữa các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ được quyền lợi của người lao động một cách tốt nhất.

Đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là tăng cường hiện nay là khắc phục và xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chức năng xử phạt hành chính khi phát hiện trường hợp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện nay, trong dự thảo luật chỉ quy định cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ phát hiện, khởi kiện và kiến nghị khởi tố thôi, còn không có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự thảo luật không quy định vai trò, quyền của công đoàn trong việc khởi kiện người sử dụng lao động trong việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật Công đoàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động mà không cần điều kiện người lao động ủy quyền vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn Việt Nam. Do đó, nên quy định Công đoàn được quyền khởi kiện người sử dụng lao động khi được người lao động đề nghị.

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An 

Cho ý kiến về khoản 1 Điều 37 về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: tỷ lệ l0,03%/ngày là số tiền lãi do vi phạm chậm đóng, trốn đóng, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị bổ sung từ "lãi" để làm rõ hơn.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ nội dung tại Khoản 4 đối với quy định người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Bởi việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động nếu đặt trong mối quan hệ với người lao động sẽ là quan hệ dân sự. Nếu khởi kiện dân sự thì chủ thể thực hiện phải là người lao động hoặc tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Việc khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự. Việc dự thảo đang quy định theo hướng khởi kiện như vậy sẽ không áp dụng được và không phù hợp, thực tế cho thấy trong các năm qua chưa xử lý được trường hợp nào về nội dung này.

Tại khoản 5 Điều 37, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị bổ sung thêm chủ thể có quyền kiến nghị, khởi tố, cụ thể là người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, đề nghị bỏ chữ "bảo hiểm xã hội", có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Nếu gắn chữ "bảo hiểm xã hội" thì sẽ bị ràng buộc là chỉ có bảo hiểm xã hội mới có quyền này. Trong khi các chủ thể có trách nhiệm tham gia quản lý, tổ chức thực hiện về bảo hiểm xã hội không chỉ có cơ quan bảo hiểm xã hội mà còn có các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Phân định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng quan tâm đến các nội dung ở các Điều 36, Điều 37 về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và xử lý chậm đóng, trốn đóng - đây là 2 điều mới được quy định trong dự thảo này. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, việc bổ sung 2 quy định này góp phần xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhức nhối trong nhiều năm qua.

“Liệu có phải chúng ta thiếu công cụ pháp lý hay không, thiếu công cụ không? Nếu từ đánh giá đó chúng ta sẽ đối chiếu xem việc có bổ sung nội dung này thì sẽ giải quyết được hay không?”, đại biểu Nguyễn Công Long băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, hiện nay rất ít vụ án được xử lý hình sự; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội mặc dù rất trầm trọng, gây thất thu hàng ngàn tỷ, nhưng hiện có nhiều công cụ xử lý hành chính, hình sự; thậm chí Hội đồng thẩm phán Tòa án dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019 hướng dẫn riêng đối với tội gian lận bảo hiểm, tội trốn đóng bảo hiểm. Mặc dù có đầy đủ công cụ xử phạt nhưng vẫn không xử lý được, vì vậy đại biểu đề nghị xem xét ở góc độ thực thi. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào các công cụ xử lý thì khó giải quyết được tận gốc vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Trong Điều 36, Điều 37 của dự thảo luật vẫn chưa quy định cụ thể, rõ ràng thế nào là chậm đóng, thế nào là trốn đóng, chưa phân định rõ ràng hai hành vi này. Đại biểu đề nghị rà soát kỹ các quy định này đảm bảo thống nhất, rõ ràng với Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về nội dung này.

Về vấn đề này, đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, khoản 2, Điều 36 của dự thảo luật quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Thông tư số 05 ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định rất rõ về các hành vi trốn đóng và các hành vi gian lận liên quan đến bảo hiểm xã hội từ Điều 214 đến Điều 116 của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Lý Văn Huấn cho rằng, quy định tại khoản 2, Điều 36 dự thảo luật chưa đầy đủ và lẫn lộn giữa trốn đóng với chậm đóng, trong khi hành vi chậm đóng khác hoàn toàn với trốn đóng, trốn đóng phải là dùng các thủ đoạn gian dối hoặc các thủ đoạn khác nhằm không đóng hoặc đóng không đầy đủ. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại khoản 2, Điều 36 kết hợp với Nghị quyết số 5 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn. Quy định làm sao cho dễ hiểu và áp dụng được quy định pháp luật cũng như hai luật này đảm bảo tương thích.

“Theo tôi hành vi trốn đóng hoàn toàn nguy hiểm và biện pháp xử lý phải nghiêm khắc hơn chậm đóng. Nhưng tôi nghĩ cơ quan soạn thảo đã đánh đồng giữa chậm đóng và trốn đóng. Tôi nghĩ cơ quan soạn thảo nên thiết kế lại biện pháp xử lý, kể cả vấn đề phạt, vấn đề truy thu trốn đóng sẽ phải nặng hơn chậm đóng, đảm bảo được tính răn đe cũng như các biện pháp cưỡng chế đối với hành vi này”, đại biểu Lý Văn Huấn nêu quan điểm.

Lan Hương

Các bài viết khác