GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH PHẢI ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, TRÁNH TRỤC LỢI CHÍNH SÁCH

17/01/2024

Theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm, sáng 18/01 tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại phiên thảo luận Tổ về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu tán thành cao sự cần thiết ban hành nghị quyết đồng thời nhấn mạnh, cơ chế, chính sách đặc thù cần quy định chặt chẽ tránh trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 10 về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ trình Quốc hội gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Trong đó, tại Khoản 5 quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự thảo Nghị quyết trình 02 phương án, cụ thể:

Phương án 1:  Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ trì liên kết vay để đầu tư tài sản phục vụ hoạt động phát triển sản xuất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Phương án 2: Đề xuất nội dung chính sách đặc thù như phương án tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Quốc hội. Theo đó, quy định các nội dung: Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản;  Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước….

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, phương án 1 là phù hợp vì phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý. 

Tại điểm b, Chính phủ nghiên cứu ở những vùng biến đổi khí hậu, đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho không 20%, giá trị tài sản còn lại là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, chính sách này có thể giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định từng trường hợp cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng  quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho các địa phương trong thực hiện việc quản lý cũng như sử dụng và giám sát quá trình sử dụng tài sản công được hình thành trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất. Việc quy định thực hiện chính sách hỗ trợ mà không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với loại tài sản có tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 55 triệu đồng hoặc là tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân cần bảo đảm dễ thực hiện, tiếp nối được chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp tục duy trì hoạt động phát triển sản xuất và có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi nghị quyết được thông qua; không phải ban hành quy định chi tiết, bảo đảm mục tiêu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, trong phương án này cần cân nhắc bổ sung quy định đảm bảo tính chặt chẽ để tránh việc trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí.

Bày tỏ đồng tình với phương án 1, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH  tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn về công tác theo dõi và giám sát để khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo hiệu quả khi đưa vào sử dụng. “Ở các huyện thiếu về nguồn lực và năng lực thực hiện cho nên rất cần các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh phải có sự giám sát, phát hiện kịp thời, tháo gỡ trong quá trình thực hiện,…”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH  tỉnh Ninh Thuận

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia các ý kiến đại biểu tán thành với chủ trương phân cấp theo phương án 2 được đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện cơ chế này./.

Lê Anh - trọng Quỳnh

Các bài viết khác